Sau khi thẩm tra dự thảo Luật Hải quan sửa đổi, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: Dự thảo Luật còn nhiều nội dung giao Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định.

Vì vậy, Ủy ban pháp luật đề nghị: “Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định hiện hành, nhất là các văn bản dưới luật đã được thực hiện ổn định để quy định trong Luật, bảo đảm khi Luật có hiệu lực có thể áp dụng ngay, tránh tình trạng chờ nghị định, thông tư hướng dẫn.

Qui địnhquyền, nghĩa vụ của người khai hải quanchưa hợp lý

Về qui định người khai hải quan (khoản 6, Điều 4) bao gồm hai đối tượng: chủ hàng hóa, chủ phương tiện vận tải - với tư cách là chủ sở hữu của hàng hóa, phương tiện vận tải và người điều khiển phương tiện vận tải, người được chủ hàng hóa, chủ phương tiện vận tải ủy quyền thực hiện thủ tục hải quan - với tư cách là người được ủy quyền.

Ủy ban Pháp luật cho rằng: Việc quy định quyền, nghĩa vụ của người khai hải quan trong cùng một điều luật là không hợp lý. Bởi vì, chủ hàng hóa, chủ phương tiện vận tải có quyền, nghĩa vụ đầy đủ đối với hàng hóa, phương tiện vận tải của mình còn người được chủ hàng hóa, chủ phương tiện vận tải ủy quyền thực hiện thủ tục hải quan, trong đó có đại lý làm thủ tục hải quan, chỉ có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ theo ủy quyền và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi được ủy quyền.

Quy định tại Điều 20 đại lý làm thủ tục hải quan và nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan quy định tại Điều 18 của Luật này và trong phạm vi được ủy quyềncũng chưa xác định rõ nguyên tắc này mà cần quy định ngay tại Điều 18. Bên cạnh đó, Ủy ban pháp luật nhận thấy việc dự thảo Luật xác định chung quyền và trách nhiệm của người khai hải quan trong các vấn đề liên quan đến bảo quản, lưu giữ hàng hóa tại địa điểm kiểm tra chuyên ngành cho đến khi cơ quan hải quan quyết định thông quan(khoản 2 Điều 35); đảm bảo nguyên trạng hàng hóa và niêm phong hải quan; vận chuyển hàng hóa theo đúng tuyến đường, lộ trình, thời gian được cơ quan hải quan chấp nhận. Trường hợp hàng hóa bị mất, thất lạc hoặc hư hỏng thì người khai hải quan phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật (khoản 2 Điều 44); người khai hải quan hoặc doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa chịu trách nhiệm bảo quản hàng hóa tạm nhập trong suốt quá trình lưu giữ tại Việt Nam và tái xuất chính hàng hóa đã tạm nhập (điểm b khoản 2 Điều 46) là khó khả thi, đặc biệt trong trường hợp người khai hải quan không được chủ hàng hóa ủy quyền toàn bộ nội dung liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

Ngoài ra, Ủy ban pháp luật đề nghị cân nhắc việc sử dụng khái niệm đại lý làm thủ tục hải quan trong dự thảo Luật hải quan (sửa đổi) so với đại lý hải quan trong Luật quản lý thuế hiện hành cũng như quyền, trách nhiệm của chủ thể này trong hoạt động về thuế và về hải quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

 

Hồ sơ hải quan và kiểm tra sau thông quan

Điều 24 dự thảo Luật quy định về hồ sơ hải quan theo hướng giảm bớt giấy tờ mà tổ chức, cá nhân không cần thiết phải nộp khi làm thủ tục hải quan. Đối với các chứng từ khác thuộc hồ sơ hải quan (hóa đơn thương mại, chứng từ vận tải, hợp đồng mua bán hàng hóa; giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hoặc kết quả kiểm tra chuyên ngành), dự thảo Luật giao Bộ Tài chính hướng dẫn trường hợp phải nộp, xuất trình các chứng từ này.

Ủy ban pháp luật nhận thấy, quy định về hồ sơ hải quan cần bảo đảm rõ ràng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, doanh nghiệp khi làm thủ tục hải quan. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu bổ sung, quy định rõ trong Luật các nội dung liên quan đến hồ sơ hải quan, các chứng từ phải nộp, phải xuất trình, hạn chế tối đa việc dẫn chiếu đến các văn bản pháp luật có liên quan hoặc phải hướng dẫn thi hành.

Bên cạnh đó, thẩm quyền quy định về hồ sơ hải quan hiện cũng chưa được quy định thống nhất trong dự thảo Luật. Vì vậy, Ủy ban pháp luật đề nghị nghiên cứu quy định lại nội dung này để bảo đảm tính thống nhất và tính công khai, minh bạch của Luật.

Điều 79 dự thảo Luật quy định các trường hợp kiểm tra sau thông quan là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan; kiểm tra hồ sơ hải quan chưa được kiểm tra trực tiếp trong quá trình làm thủ tục hải quan; kiểm tra đánh giá việc tuân thủ pháp luật hải quan của người khai hải quan.

Ủy ban pháp luật đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về kiểm tra sau thông quan theo hướng phục vụ mục đích chủ yếu của việc kiểm tra sau thông quan là đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp để làm cơ sở cho việc thực hiện ưu tiên đối với các doanh nghiệp có quá trình chấp hành tốt pháp luật hải quan. Quy định như vậy sẽ phù hợp với thông lệ quốc tế và cũng phản ánh một trong những chủ trương lớn sửa đổi Luật hải quan lần này là áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra, giám sát hải quan, có chế độ ưu tiên, tạo thuận lợi về thủ tục hải quan cho doanh nghiệp đủ điều kiện theo Luật định.

Ủy ban pháp luật cũng đề nghị quy định rõ việc kiểm tra sau thông quan là kiểm tra tất cả các hồ sơ hải quan chưa được kiểm tra trực tiếp trong quá trình làm thủ tục hải quan hay chỉ kiểm tra mang tính xác suất đối với các hồ sơ này. Đồng thời, đề nghị cân nhắc về mối liên hệ, tính ngẫu nhiên, xác suất giữa chế độ kiểm tra sau thông quan với chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp.

Ngoài ra, dự thảo Luật chưa quy định cơ chế phân công, phối hợp trong ngành hải quan trong việc kiểm tra sau thông quan. Bởi vì, doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa có trụ sở trong phạm vi cả nước nhưng khi làm thủ tục thông quan chỉ qua hải quan cửa khẩu, do đó không rõ hải quan cửa khẩu hay hải quan khu vực chịu trách nhiệm kiểm tra sau thông quan./.