Sáng nay (15/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình phiên họp thứ 20, cho ý kiến về dự án Luật Hải quan (sửa đổi). Đa số ý kiến cho rằng, dự án Luật cần được sửa đổi theo hướng đổi mới toàn diện hoạt động hải quan thông qua việc tạo điều kiện áp dụng phổ biến hải quan điện tử.

Dự án Luật Hải quan (sửa đổi) tập trung vào cải cách thủ tục hải quan; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý hải quan, phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại. Việc sửa đổi còn nhằm bảo đảm tính thống nhất, khả thi của pháp luật hải quan, phù hợp với văn bản pháp luật có liên quan và thực tế hoạt động xuất nhập khẩu; kiện toàn hệ thống tổ chức hải quan.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với nhiều nội dung được sửa đổi trong dự án Luật. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay cần sửa đổi Luật phải theo hướng nâng cao hơn nữa vai trò của hải quan trong việc thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa; đồng thời hạn chế tác động tiêu cực của các biện pháp chống buôn lậu. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị dự án Luật cần có những quy định nhằm giảm thiểu tối đa chi phí về hải quan cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, minh bạch hóa thủ tục hải quan: “Những quy định của dự án Luật rất rõ ràng, cụ thể nhưng chúng ta phải minh bạch hóa thủ tục hải quan tối đa. Một mặt bảo đảm công tác quản lý nhà nước, mặt khác là xây dựng hình ảnh hải quan thân thiện với doanh nghiệp trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa. Còn vấn đề rất quan trọng nữa là các quy định liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân, đặc biệt là các biện pháp như chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng qua biên giới phải phù hợp với Hiến pháp hiện hành cũng như việc sửa đổi hiến pháp”.

Đa số ý kiến cho rằng cần cải cách thủ tục hải quan theo hướng đơn giản, rõ ràng, công khai, thuận tiện, thống nhất, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, thực hiện hải quan điện tử, một cửa quốc gia tạo thuận lợi thương mại và phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình phiên họp, cho ý kiến vào báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông./.