Sáng 29/8, tại TP HCM, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIII đã khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 11 để thẩm tra, cho ý kiến về các dự án Luật Hải quan sửa đổi; dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật tiếp công dân và dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Công chứng. 

Trong phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Hải quan sửa đổi, trong đó nhất trí sự cần thiết phải ban hành Luật để phù hợp với sự phát triển của đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập, cải cách thủ tục hành chính, đồng thời tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và chống buôn lậu.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng còn rất nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung.

Cụ thể, tại điều 9 về hiện đại hóa quản lý hải quan, có đại biểu nhận xét: Thiết kế chưa đủ tầm và đủ mạnh” để bảo đảm hiện đại hóa hải quan điện tử, chưa quy định rõ trách nhiệm của nhà nước trong quản lý nhằm đem lại thuận lợi cho người dân, cho doanh nghiệp và cần có chính sách rõ ràng để đầu tư cho ngành hải quan, nhất là đào tạo đội ngũ.

Bên cạnh đó, hệ thống hải quan hiện nay không phải theo địa giới, địa bàn hành chính các tỉnh, do đó, để bảo đảm thống nhất, dự thảo nên đề ra chuẩn mực, tiêu chí để hình thành tổ chức hải quan cấp dưới nhằm hạn chế tình trạng xin – cho mất bình đẳng, mặt khác, nếu cho đi nơi khác kiểm tra thì sẽ thiếu kiểm soát và dễ tạo kẽ hở cho các hành vi gian lận.

Cũng có ý kiến cho rằng, Luật Hải quan sửa đổi quy định quá chi tiết về cách thức làm việc của công chức hải quan mà ít đưa ra các biện pháp để làm sao xuất nhập khẩu được thông thoáng, giảm phiền hà cho người dân và ngăn chặn tệ nạn tham nhũng trong lực lượng hải quan.

Ông Trần Văn Tư, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai góp ý: “Khoản 2, điều 91 về biện pháp ngăn chặn để truy đuổi đối với hàng hóa, phương tiện qua biên giới trái phép, tôi thống nhất quan điểm truy đuổi đến cùng vì vấn đề ở đây là đảm bảo đúng pháp luật chứ không phải hết phạm vi trách nhiệm của hải quan”.

Tuy nhiên đại biểu Tư cũng cho rằng, cần xác định đối tượng để truy đuổi nhằm bảo đảm cho hoạt động thuận lợi và để chống gian lận thương mại và buôn lậu.

Buổi chiều, phiên họp tiếp tục thảo luận dự thảo Luật Tiếp công dân. Hầu hết ý kiến cho rằng dự thảo có nhiều tiến bộ, nhưng phải tiếp tục chỉnh sửa thêm, lược bỏ bớt một số từ ngữ không cần thiết cũng như cần bổ sung làm rõ thêm một số cụm từ, ví dụ như thế nào là “đủ điều kiện thụ lý”, hoặc nói rõ “người có thẩm quyền giải quyết”./.