Với mục tiêu thúc đẩy hơn nữa quan hệ tín dụng hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, đưa ra những giải pháp khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển ngày càng ổn định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giải pháp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận với vốn tín dụng (Ảnh minh họa: KT) |
Từ đầu năm đến nay, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt gần 1 triệu 300 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với năm ngoái. Đáng chú ý, tại 260 buổi gặp gỡ, hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được tổ chức trong 6 tháng đầu năm nay, số tiền cam kết cho vay mới theo chương trình kết nối Ngân hàng-doanh nghiệp đã đạt 390 nghìn tỷ đồng cho hơn 30 nghìn khách hàng doanh nghiệp.
Những con số trên cho thấy, quan hệ tín dụng giữa Ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp đã được cải thiện theo hướng cởi mở hơn, gần gũi và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, tỷ lệ vốn vay của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khiêm tốn.
Ông Hà Đại Đồng, Giám đốc công ty TNHH Nonopoli Việt Nam cho biết: Quỹ tín dụng hiện nay trong quá trình phát triển doanh nghiệp đến nay đã được 1 năm nhưng thực tế để tiếp cận với quỹ tín dụng rất khó. Đến nay mới vay được 150 triệu của Ngân hàng Agribank, lãi suất 11%/năm so với số vốn tài sản theo cam kết mới vay được 25% giá trị tài sản thế chấp, phần tín chấp rất khó, trong khi lại có những đặc thù riêng của doanh nghiệp.
"Doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm được độc quyền bảo hộ sáng chế, khi sản phẩm ra thị trường thì chúng tôi không thể bán thăm dò nhưng bên ngân hàng lại đòi hỏi những thủ tục hết sức khó khăn mà doanh nghiệp không thể giải trình", ông Đồng nêu thực tế.
Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra nguyên nhân khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, đó là: phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế, thiếu tài sản để bảo đảm cho khoản vay theo quy định hoặc tài sản đảm bảo có giá trị thấp; chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng khi vay vốn hoặc cơ cấu lại khoản nợ đã vay…
Còn về phía các tổ chức tín dụng, mặc dù nguồn vốn luôn sẵn sàng nhưng các tổ chức tín dụng cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thẩm định phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực mới, đặc thù còn nặng về tài sản đảm bảo cho khoản vay; khó khăn trong việc kiểm soát dòng tiền của các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi cho vay vốn vì không có thông tin đầy đủ về doanh nghiệp, không kiểm soát được quá trình mua bán, thanh toán hàng hóa dẫn đến tâm lý e dè khi quyết định cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay...
Trước phản ánh của doanh nghiệp về những khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, đại diện ngân hàng Nhà nước khẳng định, thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm như: thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiềm chế lạm phát, kiểm soát tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát để cải tiến thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng, thực hiện các giải pháp tháp gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.
Về phía ngân hàng, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam cho biết: BIDV đã và đang triển khai nhiều giải pháp, biện pháp, ngoài các gói tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn kinh doanh như các gói hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, gói hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, BIDV cũng triển khai nhiều dịch vụ trong đó có việc tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp trong việc lập phương án kinh doanh, cũng như chuẩn bị hồ sơ vay vốn ngân hàng một cách tốt hơn, ông Lâm chia sẻ./.Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận tín dụng