Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đóng góp khoảng 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu việc làm.
Tín dụng ngân hàng được đánh giá là góp phần đảm bảo cho hoạt động của các DNNVV được liên tục, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp, góp phần hình thành cơ cấu vốn tối ưu và tập trung vốn sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của các DNNVV...
Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng (ảnh minh họa: KT) |
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, thực tế doanh nghiệp hiện vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng. Trong đó, có nguyên nhân về thủ tục vay ngân hàng, tài sản thế chấp, tỷ lệ vốn vay của DNNVV chiếm tỷ lệ còn khiêm tốn...
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, tính từ đầu năm đến ngày 31/8/2017, dư nợ tín dụng đối với DNNVV đạt 1.292.182 tỷ đồng, tăng 7,49% so với cuối năm 2016, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2016 và chiếm tỷ trọng 21,14% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Hiện nay có trên 200.000 DNNVV đang có dư nợ tại các TCTD.
Vướng từ cả hai phía
Tại Hội thảo “Giải pháp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 5/10, nhiều chuyên gia cho rằng, khó khăn, vướng mắc trong việc cho vay DNNVV đến cả từ phía DNNVV và phía ngân hàng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), đối với phía DNNVV, khó khăn vay được vốn do phần lớn các DNNVV quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế, thiếu tài sản để bảo đảm cho khoản vay theo quy định hoặc tài sản đảm bảo có giá trị thấp, quyền sở hữu tài sản không minh bạch, chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng khi vay vốn hoặc cơ cấu lại khoản nợ đã vay...
Đồng thời, có khó khăn trong việc kiểm soát dòng tiền của các DNNVV khi cho vay vốn, vì không có thông tin đầy đủ về doanh nghiệp, không kiểm soát được quá trình mua bán, thanh toán hàng hóa dẫn đến tâm lý e dè khi quyết định cho vay các DNNVV. Trong khi đó, bản thân các TCTD khi cho vay cũng cần phải thẩm định đầy đủ các điều kiện của các doanh nghiệp để đảm bảo an toàn vốn.
Không những thế, chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV còn tồn tại nhiều bất cập, chưa phát huy được hiệu quả trong trợ giúp DNNVV tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, vì vậy chưa khuyến khích được các DNNVV tìm đến và các TCTD cho vay có bảo lãnh của các tổ chức này....
Giải pháp không chỉ phụ thuộc doanh nghiệp và ngân hàng
Trước thực tế DNNVV chưa tiếp cận được vốn vay như kỳ vọng, NHNN cho rằng, giải pháp tín dụng cho DNNVV không chỉ phụ thuộc vào doanh nghiệp và các TCTD mà còn cần các giải pháp mang tính tổng thể với sự vào cuộc và phối hợp đồng bộ của nhiều Bộ ngành, địa phương và các giải pháp phát triển thị trường vốn.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho hay, thời gian tới, để tiếp tục mở rộng tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của DNNVV, ngành Ngân hàng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DNNVV đã được quy định trong Luật hỗ trợ DNNVV.
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Cần có trọng tâm, chọn lọc
Ngành ngân hàng cũng cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (đặc biệt là DNNVV) tiếp cận vốn tín dụng; tích cực triển khai chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; khuyến khích các TCTD phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng, trong đó có các sản phẩm tín dụng đặc thù cho đối tượng DNNVV và các sản phẩm mới; đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.
Về việc triển khai chính sách tín dụng ngân hàng hỗ trợ DNNVV, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, quy định trần lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên phát triển, trong đó có DNNVV, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ thấp hơn 1%-2%/năm so với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường.
Đồng thời, thực hiện Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 06/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, căn cứ cơ sở điều kiện, diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, từ tháng 7/2017, NHNN đã điều chỉnh giảm 0,5% mức lãi suất này từ 7%/năm xuống còn 6,5%/năm nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho đối tượng DNNVV tiếp cận vốn tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế./.
Kiểm soát chặt tốc độ tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ
Tăng trưởng tín dụng có thể đạt 21% nhưng đối mặt nhiều rủi ro?
Tăng tín dụng lên 21%, cần kiểm soát chặt phân bổ nguồn vốn