Chiều 18/10, tại Đà Nẵng, Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội Khóa XIV tiếp tục phiên họp toàn thể thẩm tra dự án nghiên cứu tiền khả thi Dự án “Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020”.
Theo quy hoạch đường bộ cao tốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến cao tốc trên hành lang kinh tế Bắc – Nam dài 2.109 km từ cửa khẩu Hữu Nghị đến thành phố Cà Mau, trong đó đã và đang đầu tư 520 km. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay chưa thể đầu tư sớm toàn bộ dự án.
Trong khi đó, áp lực giao thông vận tải trên hành lang kinh tế Bắc - Nam ngày càng cấp bách, việc đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam là cần thiết và không thể trì hoãn. Vì vậy Bộ Giao thông- Vận tải tách 654 km cao tốc Bắc – Nam phía Đông có lưu lượng xe lớn để đầu tư trước.
654 Km này sẽ được tách thành 11 dự án thành phần. Trong đó, 8 dự án thành phần các đoạn từ Ninh Bình - Hà Tĩnh và Khánh Hòa - Đồng Nai đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT; 3 dự án có lưu lượng vận tải thấp được đầu tư theo hình thức đầu tư công. Tổng mức đầu tư của 11 dự án thành phần khoảng 118.000 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng và nguồn vốn các nhà đầu tư khác khoảng 63.000 tỷ đồng. Hơn 8.200 hộ dân sẽ bị ảnh hưởng khi thực hiện dự án này, dự kiến khởi công vào năm 2019, cơ bản hoàn thành vào năm 2021.
Tại cuộc họp, nhiều Đại biểu đề nghị cần xem xét năng lực thông xe của các tuyến đường ven biển, Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh. Trong đó, đoạn Cam Lộ - La Sơn hơn 100 km có lưu lượng xe thấp chưa cấp bách phải đầu tư ngay.
Theo Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh cần làm rõ hiệu quả khai thác đường Hồ Chí Minh, các tuyến đường ngang nối với các tuyến cao tốc. Mặt khác, Bộ Giao thông - Vận tải cần giao trọn gói cho địa phương vừa giải phóng mặt bằng vừa tổ chức thi công. Tránh tình trạng như khi thực hiện dự án nâng cấp Quốc lộ 1A, Bộ Giao thông –Vận tải làm chủ đầu tư tất cả các gói thầu tư vấn, thiết kế, thi công nhưng lại giao địa phương phần giải phóng mặt bằng.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, ủy viên Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu. |
"Dự án chạy dọc đất nước lại đi cắt ngang toàn bộ các tuyến thoát lũ nên tôi đề nghị, khi đi ngang các tuyến sông cũng như bãi sông để thoát lũ thì phải phù hợp với tiêu chuẩn thoát lũ. Thứ hai là đường đi qua bố trí những công trình thủy lợi tiêu thoát lũ. Trong đó có việc tiêu thoát lũ khi công trình thủy điện xả lũ thì cũng cần đề cập nhiệm vụ của nó. Chứ nếu chúng ta chỉ tính thủy văn 1% thì tôi e rằng không đảm bảo được nhiệm vụ. Khu vực miền Trung khi lũ về, có rất nhiều tràn tự do, khi đường đi qua khu vực đó thì phải tính bố trí cao trình hoặc cầu cạn để tràn. Nếu không thì sẽ trở thành con đập ngăn lũ" - ông Vũ Xuân Thành chỉ rõ.
Theo Quy hoạch, đường cao tốc Bắc- Nam có quy mô 4-6 làn xe, khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế -chính trị quy mô lớn quy mô 8 làn xe. Các đại biểu đề nghị phải thực hiện giải phóng mặt bằng cho quy mô đường cao tốc 8 làn xe để ổn định lâu dài đời sống người dân nơi cao tốc đi qua, tránh xáo trộn về sau.
Đa số các đại biểu đều băn khoăn về việc đầu tư thu phí theo hình thức BOT. Theo các đại biểu, cần công khai minh bạch, tránh gây bức xúc dư luận như BOT nâng cấp Quốc lộ 1A.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, ủy viên Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc kêu gọi đầu tư 8 dự án thành phần theo hình thức BOT khó khả thi: "Tôi thấy rằng chúng ta xác định BOT là 8 dự án, trong khi thời gian qua, BOT đối với giao thông rất nhạy cảm. Tôi nghĩ, sắp tới, chúng ta nên cân nhắc tuyến nào phù hợp với BOT thì mới kêu gọi đầu tư theo hình thức này chứ vừa qua rất dàn trải"./.
Cần hơn 130.000 tỷ đồng xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Nguồn vốn dự án cao tốc Bắc-Nam khó khả thi