Nằm trên trục quốc lộ 279, giáp với huyện Quang Bình (Hà Giang), xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai là địa chỉ đang ngày càng được nhiều du khách biết đến. Thành quả đó không chỉ dựa vào quá trình nỗ lực bền bỉ trong bảo tồn văn hóa Tày gắn với hình ảnh nhà sàn, suối sạch, đồng xanh, mà còn nhờ yếu tố liên vùng khi gắn Nghĩa Đô vào vành đai du lịch của Bảo Yên, Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai) với các điểm đến của Hà Giang để du khách có thêm lựa chọn.
Ông Đỗ Văn Lưu, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Đô cho biết: “Nếu Nghĩa Đô chỉ là điểm cuối cùng của hành trình thì sẽ là yếu tố rất khó khăn trong quá trình phát triển. Nhưng khi xếp Nghĩa Đô vào điểm giữa, kết nối giữa các vùng với nhau thì sẽ dễ dàng xây dựng tour tuyến, hình thành được vành đai du lịch như vậy giúp Nghĩa Đô thừa hưởng thành quả của các địa phương lân cận, từ đó phát triển thuận lợi hơn”.
Vấn đề liên kết vùng trong du lịch đã được đề ra từ lâu ở Lào Cai. Sau thành công từ những chương trình liên kết nội vùng như du lịch về nguồn kết nối 3 tỉnh Lào Cai – Yên Bái – Phú Thọ năm 2005; du lịch các tỉnh Tây Bắc mở rộng với điểm nhấn là năm du lịch Tây Bắc 2017, trong giai đoạn Covid-19, Lào Cai tiếp tục tranh thủ mở rộng không gian du lịch bằng việc ký kết hợp tác với thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Bình.
“Chúng tôi còn có những liên kết du lịch quốc tế như chương trình phối hợp công tác giữa Lào Cai với Châu Hồng Hà (Vân Nam, Trung Quốc) thì chúng tôi xây dựng tour du lịch “2 quốc gia - 6 điểm đến”; hoặc như với Aquitaine của Pháp chúng tôi cũng có hợp tác trong tạo dựng sản phẩm, bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch; hay với Ấn Độ dự kiến trong tháng 6 sẽ diễn ra Ngày hội Văn hóa Ấn Độ tại Sa Pa” - ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết.
Không riêng du lịch, Lào Cai còn 3 trụ cột kinh tế nữa gồm xuất nhập khẩu, công nghiệp và nông nghiệp. Các trụ cột này cũng được xác định phải liên kết, bổ trợ cho nhau để hình thành nên một nền kinh tế tổng hợp, đưa Lào Cai trở thành cực tăng trưởng, trung tâm logictic vùng trong tương lai.
Trong chuyến làm việc mới đây tại Lào Cai, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, trong kỷ nguyên 4.0, nhiều ranh giới đang dần xóa bỏ và không gian phát triển là vô hạn; ngay bản thân khái niệm “nông nghiệp” giờ đây cũng bao hàm tất cả các lĩnh vực.
“Chúng ta không giới hạn không gian kinh tế trong một địa phương Lào Cai nữa; càng không cố định những gì Lào Cai đang có. Với vai trò là cầu nối của ASEAN với Trung Quốc thì tầm nhìn chiến lược của Lào Cai phải mang tính quy mô toàn vùng, thậm chí xuyên vùng, xuyên quốc gia. Và tôi tin rằng Lào Cai chắc chắn sẽ làm được” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Tham luận tại Diễn đàn đầu tư phát triển vùng trung du và miền núi phía Bắc tổ chức tại Phú Thọ năm 2021, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho rằng, cái đích của những mối liên kết nhằm hình thành ra các không gian phát triển. Nhưng trước hết để làm được điều đó thì tầm nhìn, định hướng vô cùng quan trọng, tất cả phải gắn với quy hoạch bài bản.
“Quan trọng nhất là không gian phát triển. Thứ nhất chúng ta phải tạo được không gian liên kết về kinh tế; thứ hai là không gian tự nhiên sinh thái và xã hội; thứ ba là không gian về chính sách và thể chế. Và chỉ có quy hoạch thì mới tạo ra được không gian như vậy, muốn không gian phát triển tốt thì chúng ta phải làm được quy hoạch tốt” - ông Trịnh Xuân Trường khẳng định.
Hiện, Lào Cai đã hoàn thành Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050. Lào Cai cũng đã hoàn thành quy hoạch tiểu vùng sông Hồng trải dài 128km qua địa bàn. Các Nghị quyết, chiến lược phát triển kinh tế theo từng lĩnh vực cũng đã được địa phương đưa ra, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 11 về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ mới được Bộ Chính trị ban hành. Đây sẽ là kim chỉ nam quan trọng giúp cửa ngõ Lào Cai đi vững, đi xa, sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh phát triển của cả nước./.