Chuyển đổi số đang là nhiệm vụ cấp bách đặt ra đối với việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản của Lào Cai, đòi hỏi địa phương này phải nỗ lực tăng tốc hơn nữa để bắt kịp xu thế.
Cập nhật nội dung website, tận dụng tối đa các công cụ trên mạng xã hội để quảng bá sản phẩm từ mới lạ đã trở thành công việc thường ngày của anh Nguyễn Tiến Mạnh, Giám đốc HTX nông sản Mạnh Hương, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Nhờ đó, các sản phẩm chủ đạo của HTX như cà gai leo, tinh bột nghệ không còn phải phụ thuộc hoàn toàn vào các buổi triển lãm, hội chợ như trước mà vẫn có người biết đến, nhất là trong thời gian dịch Covid-19 kéo dài.
“Hợp tác xã tiếp cận được lượng khách hàng rộng hơn và đi được xa hơn, vì trên mạng internet chúng ta có thể không biết nhau nhưng vẫn kết bạn được với nhau và giao thương hàng hóa”, anh Mạnh cho biết.
Là 1 trong 4 địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng phần mềm truy xuất nông sản từ năm 2017, đến nay Lào Cai đã có gần 300 sản phẩm được cấp mã QR Code. Thực tế cho thấy, sức cạnh tranh của các sản phẩm an toàn, chất lượng cùng uy tín của DN, HTX được nâng cao hơn; đồng thời, khách hàng cũng được hưởng lợi nhiều hơn từ hoạt động này.
“Chúng tôi in trực tiếp thông tin lên tem, mác và đăng kí mã QR Code giúp khách hàng chỉ cần có điện thoại smart phone là có thể truy xuất được sản phẩm sản xuất từ đâu, ngày nào sản xuất và có chính hãng hay không”, anh Nguyễn Thành Trung, Giám đốc HTX Sun Gold Lào Cai cho biết.
Trong năm 2021, khi thị trường gặp khó khăn, bên cạnh việc mở các điểm hỗ trợ tiêu thụ nông sản; các ngành chức năng của Lào Cai cũng nỗ lực giúp các DN, HTX, hộ kinh doanh tìm hướng kinh doanh online. Điểm nhấn đầu tiên là đưa mận Tam Hoa của huyện Bắc Hà lên bán trên sàn Postmart của hệ thống bưu điện, đến nay đã có 30 sản phẩm được đăng bán trên sàn thương mại này.
Theo kế hoạch UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành, năm 2022, 2 trong số hàng loạt mục tiêu kinh tế số quan trọng là phấn đấu 100% sản phẩm OCOP sẽ gia nhập các sàn thương mại điện tử. Trong đó, 50% chủ sở hữu sản phẩm được tạo gian hàng số và có tài khoản thanh toán điện tử.
“UBND tỉnh khuyến khích khôi phục và duy trì việc quảng bá sản phẩm cơ sở sản xuất, DN trên sàn thương mại điện tử của tỉnh, cũng như kết nối với các sàn thương mại điện tử trên cả nước để các DN tham gia, hỗ trợ các DN đưa các sản phẩm lên sàn. Tiến tới, các ngành chức năng của tỉnh còn đưa sản phẩm của Lào Cai đến các thị trường khó tính hơn như châu Âu, châu Mỹ”, ông Hà Đức Bình, Giám đốc Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh Lào Cai cho hay.
Mặc dù vậy, cho đến nay thực tế tìm kiếm trên các website cũng như sàn thương mại điện tử phổ biến, số lượng các sản phẩm mang thương hiệu Lào Cai vẫn còn rất khiêm tốn; nhiều mặt hàng ghi chú thông tin, nguồn gốc xuất xứ còn khá mập mờ; hình ảnh minh họa, thuyết minh sản phẩm chưa hấp dẫn… Hầu hết sản phẩm vẫn được bán truyền thống hay quảng bá ở góc hẹp qua mạng xã hội cá nhân./.