Công nghiệp được xác định là trụ cột quan trọng cho phát triển của tỉnh Lào Cai trong nhiệm kỳ, nhưng hiện nay ngành sản xuất này đang gặp rất nhiều khó khăn do các nhà máy lớn đều trong tình cảnh thiếu nguyên liệu, thiết bị, vật tư, sản xuất.

Nhà máy luyện đồng Bản Qua tại huyện Bát Xát (Lào Cai) công suất 20.000 tấn/năm mới đi vào hoạt động hồi cuối năm 2021, nhưng sang năm nay đã chịu ảnh hưởng lớn do nhiều vật tư, thiết bị, phụ gia từ các nhà cung ứng Trung Quốc không thể nhập về qua cửa khẩu Kim Thành kể từ 17/2. Trong tình thế bất đắc dĩ, đơn vị buộc phải xoay sở bằng phương án dự phòng.

“Chúng tôi đang phải tìm kiếm các nhà cung cấp vật tư ở các nước khác trong khu vực, để thay thế cho các vật tư hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc, đảm bảo chuỗi sản xuất của chi nhánh được liên tục, ổn định”, ông Đoàn Vũ Long, Phó Giám đốc Chi nhánh cho biết.

Trong tình cảnh tương tự, Công ty Hóa chất Đức Giang Lào Cai trong khu công nghiệp Tằng Loỏng cũng phải chuyển hướng tìm kiếm các sản phẩm than cốc, điện cực, acid, động cơ, máy bơm, thiết bị phụ trợ từ các nhà cung ứng khác như Thái Lan, Indonesia. Bởi cửa khẩu Lào Cai ở vị trí thuận lợi nhất lại dừng hoạt động, phải nhập các loại hàng hóa này từ Trung Quốc bằng đường biển sẽ đội chi phí lên rất cao. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu apatit thiếu hụt cũng ảnh hưởng lớn tới việc sản xuất của doanh nghiệp này.

“Hiện doanh nghiệp đang tính toán các phương án nhập quặng từ phía công ty nước ngoài để đáp ứng đủ nguồn thiếu hụt quặng trong nước; đồng thời chủ động cải tiến sản xuất, sử dụng bằng nguồn quặng nghèo hơn nhằm tiết kiệm tài nguyên và chủ động về công suất”, ông Đặng Tiến Đức, Phó Giám đốc công ty cho biết.

Trong tình hình dịch Covid-19 và kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp, nhiệm vụ đặt ra cho ngành công nghiệp Lào Cai càng nặng nề hơn để hỗ trợ các nhóm ngành khác. Mục tiêu năm 2022 của ngành phải đạt giá trị sản xuất 47.500 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2021 nhưng hết quý I/2022 mới chỉ đạt giá trị trên 9.000 tỷ đồng.

Theo đánh giá, ngành công nghiệp của Lào Cai tập trung lớn nhất vào khai khoáng, chế biến sản phẩm từ quặng đồng, sắt, apatit. Nhưng trước mắt hệ thống các nhà máy trong lĩnh vực này mới đang chỉ duy trì được khoảng 60% công suất.

Hiện, các cơ quan chức năng địa phương cũng đang tập trung tháo gỡ khó khăn cho các nhà máy, công ty, nhất là trong lĩnh vực khai khoáng nhằm đạt kế hoạch đề ra. 

“Chúng tôi yêu cầu các đơn vị nhanh chóng tháo gỡ để chuẩn hóa các giấy phép khai thác theo quy định; thực hiện nhanh công tác giải phóng mặt bằng tại các khai trường đang mở mới, nếu như thuận lợi có thể sẽ đáp ứng trong ngắn hạn và trung hạn về nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất phân bón và hóa chất trong khu công nghiệp Tằng Loỏng. Nhưng về dài hạn sẽ phải tiếp tục có tháo gỡ sâu hơn từ phía Trung ương để tiếp tục mở rộng thời lượng cũng như khối lượng khai thác”, ông Cao Bá Quý, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai nói.

Các ngành chức năng của Lào Cai cũng đẩy mạnh trao đổi với phía Trung Quốc để tìm hướng tháo gỡ, mở lại hoạt động thông quan qua cửa khẩu đường bộ; thúc đẩy các dự án đang trong quá trình hoàn thiện để sớm đi vào sản xuất, tạo ra giá trị thu hút đầu tư dự án mới…/.