Trong khi nhiều loại nông sản trong khu vực Tây Nguyên liên tục giảm giá thì với mỗi héc-ta mía, người dân ở Kon Tum vẫn thu lãi từ 35 đến 55 triệu đồng. Đáng nói hơn là lợi nhuận mà người dân có được từ cây mía tại địa phương này đã ổn định nhiều năm nay.
Sau hơn 1 tuần vào vụ, gia đình ông Ngô Văn Phóng, tổ dân phố 4, phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum đã thu hoạch được 4 ha trong tổng số 50 ha mía của gia đình. Với năng suất trung bình 70 tấn/ha, bán giá 850 nghìn đồng/tấn cho Nhà máy đường Kon Tum. Trừ các khoản đầu tư và tiền thuê đất, ông Phóng cầm chắc trên 20 triệu tiền lãi/ha.
Người dân ở Kon Tum vẫn thu lãi từ 35 đến 55 triệu đồng/ha (Ảnh minh họa/KT) |
Theo ông Phóng, nếu không phải thuê đất, năng suất đạt từ 60 đến 140 tấn, trừ các khoản đầu tư, niên vụ này người trồng mía tại địa phương lãi từ 35 đến 55 triệu đồng/ha. Việc bán mía cho nhà máy cũng rất thuận lợi.
“Bà con nông dân chỉ việc chặt mía, rồi bốc xếp lên xe. Từ xe vận chuyển về Nhà máy, cước Nhà máy trả cho các chủ xe. Riêng bản thân tôi và nhiều người rất yên tâm, tin tưởng về Nhà máy qua cách thu mua, vận chuyển, đầu tư, trồng mới, trồng lại”.
Từ nhiều năm nay, trước vụ thu hoạch, Công ty Cổ phần đường Kon Tum đều đưa ra giá thu mua mía nguyên liệu cho cả niên vụ đảm bảo cho người trồng luôn có lãi. Cụ thể năm nay, giá thu mua bình quân là 900 nghìn đồng/tấn. Nhằm tạo sự công bằng giữa những hộ thu đầu vụ và cuối vụ, Công ty đưa ra 3 mức giá, đầu vụ mua 850.000 đồng, giữa vụ mua 900.000 đồng, cuối vụ sẽ mua với giá 950.000 đồng.
Cùng với đảm bảo cho người trồng mía có lãi, quan điểm “đồng hành” và “công bằng” được Công ty Cổ phần đường Kon Tum duy trì thực hiện trong tất cả các khâu khiến người trồng mía ở Kon Tum yên tâm gắn bó với loại cây trồng này.
Ông Lê Quang Trưởng, Tổng giám đốc Công ty cho biết: “Công ty luôn luôn xem người nông dân là người công nhân ngoài đồng ruộng để cung cấp mía nguyên liệu cho nhà máy, luôn luôn đáp ứng được yêu cầu công suất. Việc thu mua được các hộ nông dân chia thành tổ, thành nhóm và việc đốn chặt chuyển về nhà máy theo tuần tự. Ưu tiên vùng đồi chặt trước, vùng ô nà, sông suối chặt sau. Người nông dân rất đồng thuận”.
Với nhiều chính sách “đồng hành cùng nông dân” mà Công ty Cổ phần đường Kon Tum áp dụng, như đảm bảo giá thu mua để người trồng mía có lãi; hỗ trợ 5 triệu đồng/ha đối với diện tích người dân chuyển đổi từ cây trồng khác sang trồng mía; đầu tư giống, phân bón, thuốc chống mối mọt, bã bùn…. mức bình quân khoảng 25 triệu đồng/ha không tính lãi.
Niên vụ này, cùng với việc giữ ổn định 2.100 ha mía nguyên liệu tại tỉnh Kon Tum, Công ty cũng đầu tư tăng năng suất sang nhiều huyện của tỉnh Gia Lai với tổng diện tích 1.800 ha đảm bảo đủ mía nguyên liệu cho nhà máy hoạt động và giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người nông dân./.