Việc sản xuất và kinh doanh cây mía trên địa bàn tỉnh Gia Lai - vùng nguyên liệu mía trọng điểm của Tây Nguyên với khoảng 30.000 ha đang có những bất ổn. Nông dân không những phải đối phó với việc mía cháy đang diễn ra hết sức phức tạp mà còn gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Các nhà máy trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang thừa mía nguyên liệu nhưng lại muốn giữ cho mình, còn nhà máy thuộc các tỉnh khác thiếu nguyên liệu nhưng lại khó tiếp cận được.

Để đỡ thiệt thòi, nông dân đã phải lén lút như đi buôn lậu để chở mía từ Gia lai lên Kon Tum bán. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên VOV phỏng vấn ông Kpă Thuyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai. 
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, việc sản xuất cây mía trên địa bàn Gia Lai đang tồn tại nhiều bất ổn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Kpă Thuyên: Theo quy hoạch chỉ phát triển khoảng 22 - 24 nghìn ha mía cho các nhà máy của Ayun Pa, của nhà máy mía đường An Khê và một ít nữa của Bình Định. Nhưng vừa qua, diện tích đã vượt lên 29 nghìn ha.

Vì điều kiện các nhà máy chưa đảm bảo về môi trường, và cũng đang chạy thử công suất nên tình hình thừa mía như vừa qua, dẫn đến chuyện đốt mía rồi thu mua không kịp thời, làm cho ảnh hưởng đến tình hình sản xuất chung đối với cây mía.

Vừa qua, tỉnh và ngành cũng đã chỉ đạo, ngành cùng với nhà máy mía đường phải thu mua triệt để số mía đường đã sản xuất và không cho phát triển diện tích mía vượt theo quy hoạch của các địa phương. Chỉ đưa một số giống mới để nâng cao năng suất. Việc này chúng tôi cũng đang tiếp tục chỉ đạo, bởi vì định hướng là một phần nhưng còn do nhu cầu, khi cây mía có giá thì dân đổ xô vào sản xuất. Đây cũng là vấn đề có tính bột phát của người dân.

PV: Như ông vừa nêu, rõ ràng Gia Lai đang thừa mía nguyên liệu, các nhà máy không đáp ứng đủ công suất. Nhưng họ lại muốn giữ nguyên liệu cho mình, làm ảnh hưởng đến vụ mùa, khiến nông dân trồng mía thiệt thòi đủ đường. Ngành có nắm được vấn đề này không và giải pháp nào để chấm dứt tình trạng này, thưa ông?

Ông Kpă Thuyên: Vấn đề này chúng tôi đã làm việc với nhà máy. Thực ra mía thừa, nhưng các nhà máy muốn giữ vùng nguyên liệu để kéo dài thời gian hoạt động của nhà máy. Trong khi đó, mía vào thời vụ cần phải sản xuất ngay, dẫn đến việc người dân bức xúc không được thu mía kịp thời, dẫn đến mía giảm năng suất, đặc biệt trữ đường bị giảm, bà con bất bình, buộc phải bán cho tỉnh ngoài.

Mặc dù, vận chuyển, chi phí không có lợi nhuận nhưng vì phải giải quyết để tiếp tục cho vụ sau chăm sóc, phát triển. Chỗ này cũng có sự bất cập giữa nhà máy và người nông dân. Chúng tôi đang cùng với Sở Công thương họp bàn với các nhà máy để tìm cách tiêu thụ kịp thời mía của bà con.

PV: Chính vì thiệt thòi mà nông dân tìm cách bán mía đi nơi khác. Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, lại đang xảy ra tình trạng ngăn cản việc làm này của nông dân, có thể hiểu đây là “ngăn sông, cấm chợ” vùng nguyên liệu. Một lần nữa, nông dân lại là đối tượng chịu khổ. Ông giải thích vấn đề này như thế nào?

Ông Kpă Thuyên: Việc ngăn sông cấm chợ thì chúng tôi chưa rõ lắm. Vì vừa qua cũng có chỉ đạo các ngành phối hợp với nhà máy mía đường để vận động bà con hạn chế việc vận chuyển ra ngoài, nếu như vùng đã được đầu tư của nhà máy mía đường nào thì yêu cầu là phải bán cho nhà máy theo cam kết. Thực tế như thế nào, chúng tôi sẽ kiểm tra lại việc này. 

PV: Nhà máy đường Kon Tum (tỉnh Kon Tum) cho rằng, họ cũng đầu tư một diện tích không nhỏ trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhưng bây giờ vận chuyển đi Kon Tum rất khó. Vấn đề này cụ thể như thế nào thưa ông?

Ông Kpă Thuyên: Về mặt quản lý nhà nước, chúng tôi chưa cho phép nhà máy đường Kon Tum đầu tư vào Gia Lai. Nếu nhà máy đường Kon Tum đã đầu tư vào, quản lý nhà nước sẽ xem xét hiệu chỉnh gắn vào vấn đề quản lý để tránh tình trạng tranh mua, tranh bán giữa các nhà máy. Phải phân định rõ ràng vùng anh được đầu tư, được mua để xác định rõ việc đó thì có thể nếu anh đầu tư thì rõ ràng phải để anh vận chuyển, anh thu mua.

Nếu như nhà máy đường nhiệt điện Ayun Pa không đầu tư, không mua hết nguyên liệu, chúng tôi sẽ xem xét cân đối công suất nhà máy với diện tích để đảm bảo vùng nguyên liệu. Sau đó sẽ xem xét các đơn vị khác nếu tham gia vào, trước hết phải đăng ký với địa phương, nhà nước, trước hết là UBND tỉnh Gia Lai. Từ đó, ngành chức năng sẽ xem xét lại quy hoạch đối với vùng mía có đảm bảo cho các nhà máy hoạt động ổn định hay không, rồi mới đề xuất cho đầu tư vào hoặc không.

PV: Xin cảm ơn ông!