Doanh nghiệp mía đường đang lao đao vì hàng tồn kho nhiều. Giá thu mua nguyên liệu được cho là cao nhất khu vực, nhưng người trồng mía vẫn rất khó khăn. Trong khi đó, giá đường thành phẩm trên thị trường cao hơn các nước lân cận. Bài toán tìm lối thoát cho ngành mía đường vẫn trong vòng luẩn quẩn.
Mỗi ha mía gánh 1,2 hộ gia đình
Theo ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Chính phủ đã có Quyết định về diện tích mía đường ở nước ta sẽ ổn định ở quy mô 300.000 ha đến năm 2020. Đồng thời, tập trung vào thâm canh, tăng năng suất, không xây dựng nhà máy mới, nâng cao suất các nhà máy hiện có. Đến năm 2020, công suất ép đạt 140.000 tấn/ngày.
Giá thu mua mía nguyên liệu trong nước đang cao nhất khu vực (Ảnh: Báo Thanh Niên) |
Thực tế hiện nay, vụ ép 2012 và 2013 diện tích mía đạt 298.200 ha, trong đó diện tích mía ký hợp đồng trực tiếp với nông dân là 278.000 ha; năng suất bình quân 63,9 tấn/ha, có những vùng đạt 100 đến 200 tấn/ha. Cả nước hiện có 40 nhà máy đường hoạt động, tổng công suất thiết kế 132.900 tấn mía/ngày, gần bằng chỉ tiêu cần đạt đến của năm 2020.
Về quy hoạch diện tích nguyên liệu, theo ông Hòa, đến nay cơ bản đạt được, và công suất các nhà máy cũng đảm bảo. Tuy nhiên, đầu tư của ngành đường vẫn còn khó khăn, bởi lẽ 300.000 ha mía đang “gánh” trên lưng 400.000 hộ gia đình. Vì thế thu nhập của các hộ trồng mía rất thấp, mặc dù mía đường được xác định là cây xóa đói giảm nghèo.
Ông Hòa còn khẳng định: “Hướng đầu tư của ngành mía đường là hướng tới nông dân. Bài toán quan trọng nhất của ngành mía đường chính là nguồn nguyên liệu”.
Chính vì thế, theo ông Hòa, niên vụ 2012-2013 vừa qua, dù giá đường xuống thấp hơn năm trước tới 3.000 đồng/kg, nhưng các nhà máy vẫn cố gắng duy trì giá thu mua mía nguyên liệu bình quân khoảng 1 triệu đồng/tấn mía 10 CCS (khoảng 50 USD/tấn, cao nhất khu vực). Nếu không mua với giá này, người dân sẽ không trồng mía nữa, nhà máy đường sẽ không có nguyên liệu sản xuất.
Trong khi đó, giá mía của Thái Lan chỉ 30,7 USD/tấn. Do diện tích canh tác của họ lớn, hạ tầng tốt, các chi phí khác đều thấp nên người trồng mía tại Thái Lan sống được với nghề. Và, họ còn được bảo hộ nông nghiệp về thuế, chính sách… “Tại Việt Nam, dù đã mua mía với giá 50 USD thì người nông dân vẫn chưa có mức sống cao”- ông Hòa nhấn mạnh.
Chi phí đầu vào cao, đội giá bán sản phẩm
Mặc dù vậy, thực tế hiện nay, câu chuyện về giá mía nguyên liệu và giá đường thành phẩm vẫn đang gây nhiều tranh cãi, khó hiểu. Nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng đường trong nước thấp, nhưng giá thành cao hơn đường của Thái Lan là một nguyên nhân quan trọng khiến đường tồn kho nhiều, nạn nhập lậu ngày càng gia tăng.
Ông Đỗ Thành Liêm, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Khánh Hòa, khẳng định: Hiện toàn bộ các nhà máy đường trong Hiệp hội Mía đường Việt Nam đều sản xuất đáp ứng đủ tiêu chuẩn về chất lượng, mọi sản phẩm đưa ra thị trường đáp ứng đủ tiêu chuẩn thế giới.
Còn về giá sản phẩm, ông Liêm giải thích: “Nếu chúng tôi mua mía cho bà con nông dân ở giá khoảng 30 USD/tấn mà bà con sống được như người trồng mía Thái Lan thì doanh nghiệp sẽ sống được và đủ sức cạnh tranh. Còn với mức giá hiện nay 1 triệu đồng/tấn và về đến nhà máy lên tới 1,1 triệu/tấn thì chi phí bị đội quá cao, sẽ tính vào giá bán.
Hơn nữa, theo ông Liêm, một số hóa chất và phụ liệu cho sản xuất đường của Việt Nam phải nhập khẩu, thêm chi phí, nhất là khi doanh nghiệp mía dường phải trả lãi suất bình quân 10-11%/năm cho niên vụ mía đường này, trong khi doanh nghiệp Thái Lan chỉ phải trả lãi 6%/năm, chênh lệch này cũng bị đưa vào giá thành. Còn phía người trồng mía cũng đang phải chi phí sản xuất cao do giá vật tư nông nghiệp như phân bón, xăng dầu… cao.
Vì vậy, ông Liêm cho rằng: Không thể lấy giá bán trên thị trường thế giới để so sánh với giá đường Việt Nam. Như vậy là không chính xác và oan cho ngành đường. Bởi nếu so sánh như vậy thì Thái Lan cũng thua. Giá giao dịch trên thế giới là giá thặng dư, bao gồm cả giá dư thừa, tồn kho để giải quyết cho vụ sắp tới. Đối với nông sản phải lưu tâm tới yếu tố thặng dư, khi nguồn cung thặng dư thì bằng mọi cách phải cắt lỗ để thu hồi vốn...”.
Cho rằng giá đường bán tại các nhà máy sản xuất đường ở Việt Nam đã khá hợp lý, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, còn chỉ rõ: Hiện nay, giá đường bán ra trên dưới 14.000 đồng/kg (có VAT), như thế là rẻ khi mà phải mua nguyên liệu giá cao. Còn giá bán lẻ trên thị trường cao hơn giá này vài nghìn đồng là do chi phí cho hệ thống bán lẻ. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam hạ giá nữa sẽ có rất nhiều nhà máy lỗ.
Một nguyên nhân quan trọng nữa khiến ngành mía đường Việt Nam thêm khó, theo ông Đoàn Xuân Hòa, do ngành này tại các nước khác phát triển trước, năng lực sản xuất cao hơn. Đơn cử, mỗi năm Thái Lan tiêu thụ 1 triệu tấn đường. Họ có chiến lược xuất khẩu và duy trì 3 loại quota khác nhau. “Một số nước khác có giá đường nội địa còn cao hơn Việt Nam. Khi xuất khẩu, họ có nhiều mức thuế để hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tồn dư, nên hàng của họ rẻ, cạnh tranh mạnh với đường Việt Nam... Giải phóng hàng tồn kho nhanh nhất của Thái Lan chính là thẩm lậu sang thị trường Việt Nam...”
Vì thế, một đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, về giá, dù đã nỗ lực, nhưng phải thừa nhận giá đường của chúng ta đang cao hơn so với giá đường nhập lậu. Cho nên, để gỡ khó cho ngành mía đường, cần nhiều chính sách khác nữa…”./.