Trước thềm hội nghị mùa thu thường niên năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã lại một lẫn nữa điều chỉnh theo hướng đi xuống dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung và cho các khu vực, các nền kinh tế lớn nói riêng.

Cả cho năm nay và sang năm, dự báo của IMF cũng như những lập luận cho dự báo ấy đều khiến phải bi quan hơn là đưa lại lý do xác đáng để có thể bắt đầu lạc quan.

Thông điệp chính của IMF là cơn bĩ cực chưa thể qua đối với kinh tế thế giới và nguyên nhân là bên cạnh cuộc khủng hoảng cũ lại còn có thêm nhiều rủi ro mới. Ngày Thái lai vì thế vẫn còn ở nơi cách xa vời.

cuoc_hop_imf_flvn.jpg

Trong việc này, IMF đã không sai khi cho rằng cho dù đã 6 năm trôi qua kể từ khi khủng hoảng tài chính bùng nổ, tác động và hậu quả tai hại của nó đối với kinh tế thế giới vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn, đối sách của các nước và các tổ chức quốc tế, khu vực vẫn mang tính tình thế và cục bộ, thậm chí còn cả duy ý chí và sai lầm, thể hiện rõ nét nhất trong chính sách tiền tệ và tài chính. IMF cũng đã không đến mức “thần hồn nát thần tính” khi chỉ ra những mối nguy hiểm mới đe doạ sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế thế giới là khủng hoảng về chính trị an ninh ở nhiều khu vực trên thế giới như ở châu Âu (ở và liên quan đến Ukraine), ở Trung Đông và Vùng Vịnh (cuộc chiến tranh hiện tại ở Iraq và Syria), ở châu Á (tại Afghanistan và ở khu vực Đông Á) cũng như dịch khuẩn Ebola ở Tây Phi.

Từ đó có thể thấy môi trường chính trị an ninh thế giới và khu vực từ đầu năm đến nay biến động không thuận lợi cho sự phục hồi và tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Cơn bĩ cực chưa dễ sớm có thể qua được đối với kinh tế thế giới bởi tất cả những nguyên nhân mà IMF đã chỉ ra như trên chưa thể dễ sớm được khắc phục triệt để trong thời gian tới. IMF nhiều lần dự báo sai nhưng phân tích nguyên nhân lần này xem ra lại rất đúng./.