Từ ngày 28/5 đến 11/6/2014, Đoàn Tham khảo Điều IV Điều lệ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do ông John Nelmes làm trưởng đoàn đã vào làm việc tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện các buổi họp tham vấn với Việt Nam.
Đoàn đã gặp Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyên Văn Bình, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí và các cán bộ cấp cao của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện khu vực tư nhân, giới học thuật và các đối tác phát triển. Các cuộc họp tập trung vào diễn biến kinh tế gần đây và triển vọng, các chính sách vĩ mô ngắn hạn, cải cách trong khu vực tài chính và doanh nghiệp Nhà nước.
Các thành tựu về ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian vừa qua là đáng khen ngợi. Tăng trưởng GDP thực dự kiến tăng đến 5,5% trong năm 2014, với sự hỗ trợ từ xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục mạnh mẽ, trong khi đó hoạt động kinh tế trong nước vẫn còn trầm lắng do cầu trong nước yếu hơn, tiến độ thực hiện cải cách chậm trong khu vực DNNN, và những khó khăn trong khu vực ngân hàng là những yếu tố làm giảm khả năng chuyển điều kiện tiền tệ thuận lợi hơn thành tăng trưởng tín dụng. Lạm phát chung đã giảm xuống mức giữa của lạm phát một con số, và được dự đoán sẽ tiếp tục duy trì mức này trong năm 2014. Với xuất khẩu, du lịch và chuyển tiền kiều hối tăng mạnh, dự kiến cán cân vãng lai sẽ tiếp tục thặng dư. Tổng dự trữ quốc tế tăng đáng kể trong năm 2014 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng.
Mặc dù triển vọng ngắn hạn là tích cực, rủi ro vẫn còn hiện hữu, bao gồm rủi ro xuất phát từ việc thị trường toàn cầu biến động, lãi suất toàn cầu tăng, hay căng thẳng địa chính trị trong thời gian gần đây tiếp tục kéo dài, những yếu tố ngày đòi hỏi chính sách phải linh hoạt hơn nhằm duy trì long tin và tiếp tục tích lũy dự trư quốc tế. Rủi ro trong nước có thể trở thành hiện thực xuất phát từ những khó khăn của khu vực ngân hàng nếu thiếu một gói cải cách toàn diện, đặc biệt là nguồn lực tài chính và cải cách pháp lý nhằm đẩy nhanh tốc độ cải cách ngân hang và xử lý nợ xấu. Rủi ro cũng có thể phát sinh nếu cải cách DNNN chậm. Nợ công đã tăng một cách đáng chú ý lên mức cần quan tâm hơn nữa. Về yếu tố tích cực, việc sớm ký kết Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương và các Thỏa thuận Thương mại Tự do sẽ là cơ hội giúp Việt Nam được ưu đãi khi tiếp cận các thị trường xuất khẩu lớn và thúc đẩy cải cách dựa trên thị trường.
Đoàn và các cơ quan chức năng đã thảo luận về các chính sách kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn giúp xử lý rủi ro và củng cố các kết quả vừa đạt được trong ổn định kinh tế vĩ mô. NHNN đã cải thiện công tác quản lý thanh khoản và điều này đã góp phần nào vào những thành tích trên. Đoàn đồng ý rằng vị thế chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hiện nay sẽ là phù hợp chừng nào chưa có sức ép về lạm phát. Về trung hạn, việc tiến dần tới sử dụng lạm phát làm neo danh nghĩa cho các chính sách tiền tệ, cùng với cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn sẽ tạo ra khuôn khổ chính sách tiền tệ thuận lợi hơn cho Việt Nam để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, đồng thời tạo cơ sở chống đỡ các cú sốc từ bên ngoài.
Chính sách tài khóa được nới lỏng trong những năm gần đây. Bội chi ngân sách năm ngoái tăng lên, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm 2014, với tỷ lệ thu thuế/GDP tiếp tục xu hướng giảm và nợ công tăng. Đoàn khuyến nghị thực hiện một kế hoạch trung hạn nhằm giảm bội chi và nợ công tính theo GDP. Kế hoạch cần tập trung mở rộng cơ sở thu và định hướng lại chi tiêu ngân sách theo hướng tăng cường chất lượng đầu tư công và chi cho an sinh xã hội đúng mục tiêu để tiếp tục phát huy những thành tựu giảm nghèo đáng khen ngợi gần đây và hỗ trợ tăng trưởng toàn diện, và để chi trả cho chi phí cải cách hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu.
Đoàn cũng tập trung thảo luận về cải cách cơ cấu nhằm góp phần đưa nền kinh tế quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao hơn và bền vững trong trung hạn. Đoàn lưu ý răng có thể đẩy nhanh cải cách ngân hàng hơn nữa, với nỗ lực chung của tất cả các cơ quan Nhà nước có liên quan, trên cơ sở thành công đã đạt được của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc giảm thiểu rủi ro hệ thống, cải thiện thanh khoản, và xây dựng kế hoạch tái cơ cấu cho các Ngân hàng. Các bước đi quan trọng bao gồm việc ghi nhận nợ xấu một cách kỹ lưỡng và cách thức xử lý nợ xấu nhanh hơn, gồm cả việc cải cách các văn bản pháp lý có liên quan, tăng cường hoạt động của Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, và tăng vốn cho các ngân hàng. Đồng thời, cần cải thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động tăng vốn cho các ngân hàng. Đồng thời, cần cải thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của DNNN, bao gồm cả việc tăng cường công khai tài chính. Cần đẩy nhanh cổ phần hóa và thực hiện kế hoạch tái cơ cấu thông qua việc tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chính phủ và mở rộng phạm vi thoái vốn đầu tư. Điều này sẽ đặt nền móng để tăng cường hiệu quả và tạo sân chơi bình đẳng hơn cho tăng trưởng của khu vực tư nhân./.