Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa cho biết, năm 2016, KTNN đã kiểm toán báo cáo tài chính của 170 doanh nghiệp thuộc 28 tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT), công ty nhà nước; 02 chuyên đề và kiểm toán kết quả tư vấn định giá của 07 doanh nghiệp. Kết quả kiểm toán cho thấy, hàng loạt doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, có sai sót trong hạch toán, báo cáo tài chính.
Nợ chồng chất, kê khai sai nghĩa vụ ngân sách nhà nước
Kiểm toán Nhà nước kết luận, tình trạng doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính chưa được khắc phục.
Nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, nợ nần (ảnh minh họa: KT) |
Chẳng hạn, nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao như: Vicem Tam Điệp 57 lần; Công ty TNHH MTV 319.5 là 38,54 lần; Công ty TNHH MTV 319.2 là 26,27 lần; Công ty Cổ phần Đầu tư Khoáng sản - Than Đông Bắc 26,48 lần; Công ty TNHH MTV 319 Miền Trung 14,08 lần; TCT Xăng dầu Quân đội - BQP 17,13 lần; Công ty TNHH MTV Nhiên liệu hàng không Việt Nam 6,83 lần; Công ty mẹ 5,75 lần; Công ty Cổ phần Cung ứng Xuất nhập khẩu lao động Hàng không 4,05 lần; Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương 5,15 lần.
Một điểm đáng chú ý nữa là, qua kiểm toán cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp được kiểm toán đều có sai sót trong việc hạch toán, kê khai nghĩa vụ với NSNN nên qua kiểm toán đã kiến nghị tăng thu NSNN 6.241,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một số đơn vị chưa kê khai và nộp NSNN các khoản thu cổ phần hóa theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn số 5984/BTC - TCDN ngày 05/5/2016.
Một số đơn vị thực hiện Quy chế giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp chưa đầy đủ như: Chưa đánh giá trách nhiệm của đại diện phần vốn nhà nước tại các công ty thua lỗ (tại VRG, Satra); chưa quy định vai trò, trách nhiệm, cơ chế báo cáo của người đại diện; chưa lập đầy đủ báo cáo giám sát hoặc không đầy đủ nội dung; người đại diện vốn chưa thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ theo quy định...
Có nên “gạt” nợ doanh nghiệp Nhà nước ra khỏi nợ công?
Sau kiểm toán, chi phí giảm, lợi nhuận tăng hàng ngàn tỷ đồng
Đáng chú ý là hầu hết các TĐ, TCT và doanh nghiệp có sai sót trong việc hạch toán tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí; trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi.
Đơn cử, trích lập dự phòng thiếu xảy ra tại TCT 319 – BQP, TCT Cấp nước Sài Gòn, TCT Địa ốc Sài Gòn. Trích không đủ hồ sơ, không đúng đối tượng hoặc chưa đủ điều kiện như tại Công ty mẹ UDIC; Công ty mẹ Vicem, Vicem Bút Sơn, Vicem Hoàng Mai, Vicem Tam Điệp... Becamex (Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước và Môi trường Bình Dương.
Hay dự phòng giảm giá đầu tư tài chính không đúng quy định như trường hợp TCT Vận tải Hà Nội, Công ty Cổ phần Vận tải biển Sài Gòn, Handico. Trích lập dự phòng thừa như: VRG, TCT Du lịch Hà Nội...; xóa nợ chưa đủ điều kiện như tại Satra, VNA, TCT Xăng dầu Quân đội, Samco…
Qua kiểm toán, KTNN kiến nghị điều chỉnh tăng tổng tài sản, nguồn vốn 1.700 tỷ đồng; tổng doanh thu, thu nhập tăng 3.992 tỷ đồng; lãi trong công ty liên doanh, liên kết giảm 293 tỷ đồng; tổng chi phí giảm 1.137 tỷ đồng; lợi nhuận kế toán trước thuế tăng 4.836 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số TĐ, TCT chưa hạch toán các khoản thu lợi nhuận sau thuế, chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ tại các công ty con là công ty TNHH MTV do mình nắm giữ 100% vốn điều lệ vào doanh thu hoạt động tài chính theo quy định, trong đó có: VNPT, Becamex, TCT Công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai.
Hiệu quả kinh doanh giảm sút
Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, hiệu quả kinh doanh năm 2015 của một số TĐ, TCT giảm sút so với năm 2014, như: Lợi nhuận năm 2015 của VRG giảm 13%; TCT Cấp nước Sài Gòn giảm 6,7%; TCT Địa ốc Sài Gòn giảm 40,1%; TCT Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam giảm 16%.
Tính lỗ lũy kế đến 31/12/2015 thì nhiều doanh nghiệp trực thuộc thua lỗ lớn, với số lỗ từ vài tỷ đến vài trăm tỷ, như: Vicem Tam Điệp, Vicem Hải Phòng, Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ và Du lịch Cao su, Công ty Cổ phần Vật liệu Bưu điện Việt Nam, Công ty CP Vật liệu xây dựng Bưu điện Việt Nam, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội số 68, Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Vàng...
Một số doanh nghiệp còn âm vốn chủ sở hữu vài chục đến cả trăm tỷ đồng, như: Công ty liên doanh Sakura Hà Nội Plaza, Công ty TNHH MTV Petrolimex Singapore, Công ty Cổ phần Hàng không Jestar Pacific Airlines, Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Hoàn Kiếm, Công ty Cổ phần Du lịch và Thương mại Dân chủ, Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện.
Nguy cơ ngừng hoạt động hoặc giải thể xảy ra tại Công ty Xây dựng Giao thông Sài Gòn; Công ty Liên doanh Xây dựng Hà Nội - Bắc Kinh.
Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, một số đơn vị hoạt động đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, tiền gửi rủi ro cao, chậm được thu hồi; chậm thoái vốn các khoản đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, không phù hợp với Điều 21, Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ; tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp không phù hợp với Điều 189, Luật doanh nghiệp 2014./.