DNNN phá sản thì Nhà nước có yên được không?
Góp ý cho dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi), đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho biết: Theo báo cáo ngày 11/1/2015 của Chính phủ thì nợ nước ngoài của các tập đoàn của Chính phủ, nợ nước ngoài của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước 381. 419 tỷ đồng, trong đó, vay ODA của Chính phủ 117.986 tỷ, vay lại nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là 124.104 tỷ và các tập đoàn tổng công ty tự vay tự trả là 91.879 tỷ. Như vậy, tỷ lệ bảo lãnh rất cao.
Hiện nay có chủ trương là nếu nhà nước không bảo lãnh, không cho vay lại thì không đưa vào nợ công, nhưng các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đều do Nhà nước quyết hết về nhân sự và nhiều tổ chức bố trí cán bộ Đảng chuyên trách về quản lý, phải chấp hành lo kinh phí cho hệ thống chính trị trong doanh nghiệp. Cho nên toàn bộ hiệu quả trong DNNN là Nhà nước chịu, ông Nghĩa nêu thực trạng.
DNNN có vai trò tác động nhất định trong địa phương, trong ngành, trong nền kinh tế. Do đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề: Nếu nói nhà nước không chịu trách nhiệm gì cả, vậy doanh nghiệp đó vay nợ, phá sản thì nhà nước có yên được không?
"Đừng nói DNNN, ngay doanh nghiệp tư nhân có hàng trăm công nhân phá sản thì nhà nước cũng không thể ngồi yên, không thể không làm gì cả, huống chi là DNNN, đất đai bị phát mãi, công nhân, cán bộ một bộ phận là trong biên chế. Nói không có trách nhiệm là không được," ông Nghĩa thẳng thắn bày tỏ quan điểm.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa dẫn ra số nợ của DNNN năm 2016 là 324 tỉ USD, bằng 158% GDP. "Chúng ta cứ nói DNNN "tự vay, tự trả" nên không tính vào nợ công, nhưng con số này làm sao mà không tính vào được? Tài sản của DNNN là tài sản của Nhà nước".
Nếu tính luôn số nợ của DNNN vào nợ công thì nợ công sẽ lên đến 431 tỉ USD, bằng 210% GDP chứ không phải 63,9% GDP như cách tính hiện nay. Vì thế, theo ông Nghĩa, gạt toàn bộ số nợ DNNN ra khỏi nợ công là không ổn. Cách xử lý như vậy quá đơn giản, phải có một cách xử lý khác.
Quyền tự chủ của doanh nghiệp
Đồng tình với cách tiếp cận của Chính phủ về phạm vi nợ công thể hiện trong dự thảo Luật quản lý nợ công (sửa đổi) là không tính nợ công vào các khoản tự vay tự trả của các DNNN, đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP HCM) cho rằng, việc DNNN và các đơn vị công lập tự vay, tự trả là quyền tự chủ của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp.
Bà Châu cho rằng, quy định như vậy là phù hợp với cách tiếp cận của Luật Doanh nghiệp và một số luật khác. Cần phân định rõ đâu là nợ công, đâu là nợ do các doanh nghiệp tự vay, tự trả.
Tuy nhiên, vị đại biểu này vẫn băn khoăn: Trong phạm vi nợ công thể hiện trong dự thảo luật thì bỏ qua rủi ro phát sinh từ các đơn vị sử dụng vốn ngân sách ngoài chính phủ và các quỹ bảo hiểm xã hội. Như vậy ở điểm này còn có sự chưa tương đồng giữa quy định về cách tính nợ công của Việt Nam với các chuẩn mực quốc tế.
Do đó, bà Châu kiến nghị, giải pháp cần hướng tới trong việc định nghĩa và cách hiểu về phạm vi nợ công là xây dựng một khung thống kê về nợ công ròng thay vì tổng nợ công dựa trên chuẩn mực Việt Nam và phù hợp với quốc tế.
Cùng quan điểm này, nhiều đại biểu cho rằng Chính phủ đang phải oằn mình trả nợ thay cho các doanh nghiệp. Nhiều nghìn tỷ đồng đã được Chính phủ đứng ra bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay nợ nước ngoài, đến khi doanh nghiệp thua lỗ, Chính phủ buộc phải đứng ra trả nợ.
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), cần quản lý nợ công thật sự chặt chẽ, khoa học bởi nợ công liên quan đến việc đầu tư, chi tiêu, chính sách tài khóa ngắn hạn, trung hạn, dài hạn... Phải có được cơ chế pháp lý hỗ trợ cho cơ chế kinh tế để chúng ta đảm bảo quản lý tốt rủi do nợ.
"Bao nhiêu doanh nghiệp nợ nần bao nhiêu nghìn tỷ, cuối cùng Chính phủ phải trả nợ, mà Chính phủ là ai? Chính là dân ta. Vậy tiền Chính phủ trả nợ là tiền của dân. Bây giờ phải kiếm từng đồng đi trả nợ, thậm chí nhiều thế hệ mới trả được hết. Tôi cho rằng đây là vấn đề phải một cách hết sức nghiêm túc để thiết kế quy định nợ công làm sao để đảm bảo hiệu quả đầu tư cao và phải an toàn tài chính", ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Tránh "tiền trảm hậu tấu"
Đại biểu Lê Quân (Hà Nội) cho rằng, trong quản lý nợ công, để tránh "tiền trảm hậu tấu" thì cần phải công khai danh mục ưu tiên, một số trường hợp cấp bách thì Chính phủ được quyết, còn lại thì cần có chiến lược và tăng cường giám sát của Quốc hội trong các danh mục vay.
Quản lý nợ công hiện nay thiếu danh mục ưu tiên. Theo đại biểu này, cần phải xác định rõ nợ công cần ưu tiên giải quyết vấn đề gì, đó có thể là ưu tiên phát công nghệ, giáo dục, môi trường, hạ tầng… Nếu không có danh mục ưu tiên rõ ràng thì khó sắp xếp, phân loại và đánh giá hiệu quả đầu tư công./.Cần “cuộc cách mạng” trong quản lý nợ công