Nhận thấy sản phẩm nông sản sạch của bà con trong khu vực phát triển tốt, nhưng chưa tập trung và giá cả lại bấp bênh, anh Vũ Xuân Thành ở tiểu khu Nà Sản, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã quyết định thành lập hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái Nà Sản, nhằm đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm hoa quả, ổn định đầu ra cho người nông dân.

vov_cay_an_qua_tap_trung_1_vdyt.jpg
Anh Vũ Xuân Thành, Giám đốc Hợp tác xã cho biết từ khi gia nhập hợp tác xã, bà con nông dân rất phấn khởi.

Trước đây khi chưa thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái Nà Sản, hơn 10 hộ dân làm nông nghiệp ở tiểu khu Nà Sản, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, Sơn La chỉ trồng cây ăn quả theo hướng tự phát và không tập trung. Do đó năng suất, sản lượng phụ thuộc nhiều vào thời tiết, còn đầu ra của sản phẩm sau khi thu hoạch thì bấp bênh, thậm chí có những lúc bị tiểu thương ép giá..

Để góp phần giải quyết khó khăn cho người nông dân trong khu vực, anh Vũ Xuân Thành ở tiểu khu Nà Sản đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái Nà Sản, đăng ký thương hiệu cho các sản phẩm nông sản và liên kết với các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch ở các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng...

Bên cạnh đó, để nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm nông sản sạch, trước khi xuất bán, các thành viên trong hợp tác xã còn sơ chế, phân loại để chọn ra các sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu của người tiêu dùng.

Anh Vũ Xuân Thành, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái Nà Sản cho biết, "Tôi thấy xu thế thị trường tiêu dùng bây giờ thì người ta quan tâm đến nguồn gốc suất xứ của sản phẩm, tôi muốn thành lập hợp tác xã để tạo ra cái thương hiệu của sản phẩm riêng của đơn vị mình và quy trình nguồn gốc để người tiêu dùng khi người ta sử dụng sản phẩm của đơn vị tôi làm ra biết rõ nguồn gốc suất xứ  từ đơn vị ra thì nó sẽ đảm bảo hơn cho người tiêu dùng".

Đơn cử như 2ha trồng cam của Hợp tác xã, những năm trước không trồng theo quy chuẩn và bán buôn cho các tiểu thương, nên giá chỉ từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng/kg. Nhưng năm nay, vẫn hơn 2ha trồng cam này, đã cho sản lượng khoảng gần 60 tấn cam hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP, và trước khi xuất bán, các thành viên Hợp tác xã đã phân loại, sơ chế, dán tem mác và đóng thùng đúng quy cách, nên giá trị sản phẩm tăng cao, đạt từ 35.000 đồng đến 55.000 đồng/kg. Thế nên ước tính vụ cam năm nay, Hợp tác xã sẽ thu khoảng hơn 1 tỷ đồng.

Kết quả này khiến các thành viên hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái Nà Sản rất phấn khởi, yên tâm phát triển các nông sản trong vụ sau.

"Từ khi vào hợp tác xã thì chúng tôi rất là yên tâm vào những cái hoa quả sạch của chúng tôi đã được hợp tác xã đưa ra các thị trường và có tem mác dán nguồn gốc rõ rang, nên là từ khi vào hợp tác xã chúng tôi cũng rất yên tâm phấn khởi và tin tưởng vào hợp tác xã", bà Lê Thị Tươi, thành viên hợp tác xã vui mừng nói.

Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái Nà Sản có tổng diện tích 15 ha.

Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái Nà Sản hiện có 11 thành viên, với hơn 15 héc ta đất nông nghiệp trồng các loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao, như: Cam đường canh, nhãn ghép, thanh long ruột đỏ, dâu tây và bưởi diễn. Trong đó, cam đường canh là cây trồng chủ lực, tạo dựng nên thương hiệu của Hợp tác xã.

Ngay khi thành lập vào tháng 4/2018, hợp tác xã khoanh vùng, trồng tập trung mỗi loại cây trồng trên một diện tích nhất định, đồng thời thực hiện chăm sóc cây trồng hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP, bằng cách áp dụng khoa học công nghệ cao như: Tưới phun mưa cục bộ, phòng trừ sâu bệnh bằng vi sinh, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp và nuôi trùn quế để tạo phân hữu cơ...

Tận dụng lợi thế không gian xanh vốn có, hợp tác xã còn kết hợp làm du lịch, thu hút du khách và nhất là các em học sinh đến tham quan, trải nghiệm, làm giàu thêm kiến thức sống cho các em.

Anh Vũ Xuân Thành, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái Nà Sản cho biết, "Ban đầu hợp tác xã tôi thành lập có 9 thành viên, sau hoạt động một thời gian thì có 2 thành viên đang mới tham gia đăng ký và bổ sung thêm vào. Mô hình hợp tác xã của tôi là mô hình nông nghiệp tổng hợp tất cả các loại cây ăn quả, rau củ quả chứ không chuyên biệt một mặt hàng gì. Định hướng xa hơn là tôi đang bắt đầu triển khai vụ cam năm nay triển khai kết hợp dịch vụ du lịch trải nghiệm, cho khách đến tham quan và cho các em học sinh đến trải nghiệm du lịch nông nghiệp". 

Bằng những hướng đi đúng đắn trong sản xuất nông nghiệp và đầu ra ổn định, Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái Nà Sản đã tạo ra môi trường thuận lợi, giúp các thành viên là các hộ nông dân yên tâm lao động, sản xuất.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn của Hợp tác xã nông nghiệp Nà Sản là chưa có nhà bảo quản, sơ chế nông sản riêng biệt, mà hầu như đều để ngoài trời, hoặc để cùng các nông cụ sản xuất. Như thế sản phẩm sau khi thu hoạch sẽ không bảo quản được lâu, phải bán vội, bán gấp, ảnh hưởng lớn đến giá thành. Đây cũng là khó khăn chung của hầu hết các đơn vị sản xuất nông nghiệp ở vùng cao Sơn La hiện nay./.