Tỉnh Sơn La hiện có trên 54.000 ha cây ăn quả. Những năm gần đây, nhờ huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; trong đó, xác định rõ vùng quy hoạch gắn với thị trường xuất khẩu, nên chương trình phát triển cây ăn quả của tỉnh đang mang đến những kết quả khả quan.

vov_xoai_xuat_khau_bqnn.png
Xoài Sơn La được xuất khẩu ở nhiều thị trường.

10 tháng năm nay, địa phương đã có gần 820 tấn nông sản an toàn được tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị lớn tại Hà Nội và các chợ đầu mối ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước; đặc biệt, tổng giá trị nông sản của tỉnh xuất khẩu đạt hơn 98 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với thực hiện cả năm trước.

Năm 2019, Sơn La xác định tiếp tục nâng tỷ lệ diện tích sản xuất, cũng như năng suất và chất lượng sản phẩm quả; tập trung giám sát chặt chẽ các vùng sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP; hỗ trợ cấp mã vùng trồng nguyên liệu để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Trong đó, ngoài mở rộng và duy trì các thị trường xuất khẩu năm 2018, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, ÚC, EU… sẽ tập trung phát triển thị trường mới, như: Chè đen, cà phê, xoài sang Nga; xoài, nhãn sang New Zealand …

Ông Lò Minh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh sẽ phát triển cây ăn quả gắn với việc phát triển các hợp tác xã và sau các hợp tác xã là phải có các doanh nghiệp để làm nhiệm vụ kết nối chế biến và tiêu thụ.

"Tỉnh cũng sẽ xây dựng các nhãn hiệu chứng nhận và các thương hiệu của từng xã, từng vùng, tiến tới cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý để người tiêu dùng trong nước và người tiêu dùng ngoài nước qua tem truy xuất đó sẽ biết là sản phẩm này được sản xuất ở đâu, với quy trình như thế nào, có an toàn hay không…để đáp ứng được yêu cầu của thị trường, cũng như phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế hiện nay", ông Hùng cho hay./.