Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do sẽ tạo lực đẩy tốt cho tăng trưởng của doanh nghiệp và nền kinh tế trong thời gian tới. Nhận định này được đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do” (FTA), do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều nay (20/3).

thuong_mai_tu_do_copy_rcsl.jpg
Theo Bộ Công Thương, tính đến hết năm 2014, Việt Nam đã tham gia 8 hiệp định khu vực thương mại tự do (FTA), trong đó có 6 FTA khu vực ASEAN và các đối tác; 2 FTA song phương với Nhật Bản và Chile. Hiện, Việt Nam đang đàm phán 7 hiệp định thương mại, trong đó, đáng chú ý là một số Hiệp định thương mại tự do mới với mức độ tự do hoá cao hơn như Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định, việc tham gia các Hiệp định thương mại có tác động tích cực đến kim ngạch xuất khẩu, giúp giảm dần việc nhập siêu. Đơn cử, trước khi có hiệp định thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc, xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc chỉ tăng bình quân 6%/năm, nhưng sau khi hiệp định được ký kết, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng lên mức 38%/năm. Hoặc với ngành dệt may, chỉ sau 5 năm gia nhập tổ chức thương mại quốc tế (WTO), thị phần dệt may của Việt Nam tại Mỹ tăng từ 5% lên 37%.

Với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam có cơ hội trở thành một thành tố của chuỗi giá trị toàn cầu; mở rộng thị trường xuất khẩu; tái cơ cấu xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường. Đặc biệt, các FTA mới hiện nay còn có tác động rất quan trọng là giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy đầu tư trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại về việc, cùng một lúc nhiều Hiệp định được triển khai đồng thời liệu có sự chồng chéo hoặc có thể có những điểm bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là khi trình độ, năng lực cạnh tranh còn hạn chế.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết: “Khi tham gia nhiều FTA, chính phủ chỉ đạo xây dựng chiến lược đàm phán và tham gia FTA. Đầu tiên là lựa chọn đối tác, đạt  được lợi ích nào, chấp nhận những thách thức gì. Đặc biệt, khi tham gia FTA phải tạo ra lực đẩy cùng chiều với nỗ lực cải cách trong nước, không tạo ra các tác động ngược. Đồng thời, đưa ra yêu cầu kiểm soát tiến độ hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình. Do đó, không lo ngại có sự chồng lấn.”

Mặc dù vậy, một số ý kiến tại buổi tọa đàm cho rằng, khi hội nhập, tham gia vào các “sân chơi” lớn như Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU,  doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa,  với năng lực cạnh tranh còn thấp rất dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, xét về tổng thể thì việc hội nhập là cách tốt nhất để doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đơn cử như với ngành dệt may, khi Việt Nam tham gia các Hiệp định tự do thế hệ mới, việc gia tăng quy tắc xuất xứ hàng hóa sẽ giúp doanh nghiệp điều chỉnh lại hoạt động của mình, để tận dụng được các cơ hội về giảm thuế nhập khẩu.

Ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam nói:  “Với ngành dệt may, chỉ khi đáp ứng được nguyên tắc xuất xứ từ sợi thì mới được hưởng lợi ích từ hiệp định. Bây giờ muốn được hưởng lợi ích từ hiệp định TPP thì phải mua nguyên liệu từ các nước trong khối TPP hoặc là phải tự làm. Vậy thì những doanh nghiệp  tranh thủ tận dụng nhanh cơ hội trong cả đàm phán và hợp tác với đối tác để dịch chuyển thêm các bước sản xuất vào Việt Nam, để hưởng lợi ích từ hiệp định. Nói chung với các doanh nghiệp khác mà có yêu cầu quy tắc xuất xứ tỷ lệ cao ở Việt Nam thì đều cần phải tiếp cận theo hướng này."./.