Sáng nay (5/12), tại Hà Nội, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng phối hợp với Bộ Ngoại giao, Viện Konrad Adenauer, Cộng hòa liên bang Đức tổ chức tọa đàm với chủ đề “Những thách thức và giải pháp trong quá trình thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu”.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho rằng, kể từ sau khi Việt Nam và Liên minh châu Âu thiết lập lại mối quan hệ ngoại giao kể từ năm 1990, đến nay, mối quan hệ chính trị giữa hai bên được tăng cường, hợp tác các mặt được mở rộng, trong đó, đặc biệt là hợp tác về thương mại, đầu tư.

Trong vòng 12 năm, từ năm 2001 đến năm 2013, kim ngạch thương mại Việt Nam - EU đã tăng 7 lần, từ 4,5 tỷ USD lên hơn 33,7 tỷ USD vào năm 2013. Một số mặt hàng có nhu cầu lớn tại thị trường Liên minh châu Âu là các sản phẩm dệt may, da giày, nông thủy sản nhiệt đới và đồ gỗ....Đặc biệt, hiện nay, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu đang trong quá trình khẩn trương đàm phán để có thể kết thúc vào thời gian ngắn nhất, dự kiến là đầu năm 2015.

Tuy nhiên, những thách thức đang đặt ra trong quá trình đàm phán, nổi lên là các điều khoản cuối cùng đảm bảo tính tương thích của hiệp định với pháp luật trong nước. Bên cạnh đó là thách thức liên quan đến phạm vi điều chỉnh; giải quyết tranh chấp, khởi kiện khi Hiệp định được ký kết...

vn_eu_aitp.jpg
Nhiều ý kiến cho rằng, để giải quyết vấn đề này, cả hai cần tăng cường chia sẻ, cập nhật thường xuyên thông tin về tiến trình đàm phán Chính phủ với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Bên cạnh đó, rà soát các quy định hiện hành đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung có tính áp dụng chung, nhất là những vấn đề về cải cách thể chế kinh tế, các vấn đề mới như mua sắm chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, môi trường, chính sách cạnh tranh... Cần tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản pháp luật trong quá trình nội luật hóa....

Về giải quyết những thách thức trong quá trình thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ý kiến: “Đối với, Chính phủ không chỉ phổ biến thông tin mà cần hài hòa chiến lược phát triển của Việt Nam gắn với các đối tác, thị trường lớn của Việt Nam để tối đa hóa lợi ích. Đối với doanh nghiệp cần tính được những lợi thế rủi ro, khả năng cạnh tranh, từ đó nâng cao giá trị gia tăng. Chúng ta biết giữa Việt Nam và EU có Hiệp định đối tác toàn diện, do vậy, hợp tác là vấn đề quan trọng, đặc biệt khi Việt Nam đang ở trình độ thấp. Gắn với hợp tác này, chúng ta cần tận dụng. Không phải, doanh nghiệp không chỉ nghĩ tới việc tìm kiếm thị trường, tìm kiếm lợi nhuận mà cần hướng tới việc nâng cao năng lực, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ”./.