Đến nay toàn dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam(VnSAT) đã công nhận 14 vườn ươm đạt chuẩn (Đắk Lắk: 6; Đắk Nông: 5; Lâm Đồng: 3) với tổng diện tích vườn ươm là 87.266 m2 với tổng số cây giống thực sinh và cây chồi ghép hàng năm là 9.050.000 cây có thể cung cấp cho nhu cầu tái canh là  7.143 ha.

cay_ca_phe_fnpy.jpg
Nhu cầu tái canh cà phê khu vực Tây Nguyên là rất lớn (Ảnh minh họa: KT)

Theo thống kê của Viện khoa học Kỹ thuật Nông – Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), trong số hơn 450.000 ha cà phê của khu vực hiện đã có hơn 120.000 ha bị già cỗi (hơn 20 năm tuổi), năng suất dưới 1,5tấn/ha. Dự tính, đến năm 2020, hơn 70% diện tích cà phê ở khu vực này cũng sẽ lâm vào tình trạng tương tự. Các diện tích cà phê ở đây đều có tuổi đời từ 20 -30 năm, mặc dù trong quá trình khai thác vẫn cho sản lượng quả, tuy nhiên hiện sản lượng và năng suất của diện tích cà phê này đang có dấu hiệu giảm dần theo từng niên vụ. Chính vì vậy, việc trồng lại hoặc phục hồi diện tích cà phê già cỗi ở Tây Nguyên đang được đặc biệt chú trọng.

Giống - yếu tố quyết định chất lượng tái canh

Việc xác định và lựa chọn chủng loại giống đưa vào tái canh phù hợp với đất đai, khí hậu, của địa phương là một trong những khâu quan trọng góp phần đẩy nhanh tiến độ và tăng hiệu quả của việc tái canh cà phê bền vững. Nhận thức được tầm quan trọng của việc tạo ra cây giống đạt chuẩn phục vụ nhu cầu tái canh của bà con nông dân.

Trong năm 2016, dự án VnSAT đặc biệt quan tâm chú trọng đến công tác hỗ trợ các vườn ương giống đạt chuẩn. Dự án đã tiến hành: (i) Tập huấn về quy trình kỹ thuật nhân giống cà phê; (ii) Tập huấn về quy trình chứng nhận vườn ươm, giống đầu dòng; (iii) Hỗ trợ chứng nhận vườn ươm; (iv) Hỗ trợ nâng cấp vườn ươm (Nhà kính Israel, nhà lưới, hệ thống tưới tự động, nhà kho vật tư, máy móc thiết bị phục vụ nhân giống cà phê….; (v) Hỗ trợ nâng cấp vườn giống đầu dòng; (vi) Giám sát và quản lý bệnh vườn ươm giống.

Đến nay toàn dự án đã công nhận 14 vườn ươm đạt chuẩn (Đắk Lắk: 6; Đắk Nông: 5; Lâm Đồng: 3) với tổng diện tích vườn ươm là 87.266 m2 tổng số cây giống thực sinh và cây chồi ghép hàng năm là 9.050.000 cây có thể cung cấp cho nhu cầu tái canh là  7.143 ha. Trong năm 2017, các tỉnh tiếp tục lựa chọn và công nhận vườn ươm đạt chuẩn theo Quyết định số 4510/QĐ-BNN-TT ngày 01/11/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Vườn ươm đạt chuẩn tham gia dự án VnSAT Đắk Nông của ông Trần Văn Bính

Vườn ươm Trần Bình đã có hơn 7 năm kết hợp cùng Phòng Kinh tế Thị xã Gia Nghĩa tỉnh Đắk Nông cung cấp nguồn giống tái canh cho người dân trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa cũng như các khu vực lân cận. Năm 2016, vườn ươm chính thức tham gia dự án VnSAT và nhận được những hỗ trợ thiết thực trong việc nâng cấp và cải tạo vườn ươm nhằm tạo ra cây giống cà phê chất lượng cao. Hiện nay nguồn giống hiện tại của vườn ươm này cũng như tất cả các vườn ươm tham gia dự án đều có hóa đơn mua bán hạt giống với viện WASI, chịu giám sát kỹ thuật chặt chẽ của dự án VnSAT, chi cục Trồng trọt và BVTV cũng như Trung Khảo kiểm nghiệm giống quốc gia.

Ông Nguyễn Văn Doanh nông dân trồng cà phê tại xã Đắk Nia cho biết: “Nguồn giống được cung cấp từ vườn ươm của ông Trần Văn Bính tổ 7 phường Nghĩa Phú, thị xã Gia Nghĩa – Đắk Nông là nguồn giống được xác nhận đảm bảo chất lượng, cây cà phê to, khỏe và cây sinh trưởng tốt đảm bảo các tiêu chí xuất vườn.”

Song song các hoạt động thì công tác hỗ trợ nâng cấp các vườn ươm đạt chuẩn Ban quản lý dự án các tỉnh và Ban quản lý dự án Trung ương sẽ đặc biệt chú trọng vào việc giám sát chặt chẽ quy trình ươm giống của các vườn ươm tham gia dự án thông qua việc thường xuyên tổ chức các đoàn thực địa tại vườn và lấy mẫu kiểm nghiệm định kỳ. Trong năm 2017, dự ánVnSAT các tỉnh sẽ thông tin, tuyên truyền các vườn ươm đạt chuẩn dự án VnSAT đến bà con nông dân trong vùng dự án. Từ đó người nông dân có cơ hội tiếp cận và sử dụng nguồn giống đạt chuẩn nâng cao hiệu quả tái canh của mỗi hộ gia đình./.