Ngày 13/5, tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả chính sách tín dụng phục vụ tái canh cà phê trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2014 - 2020 của các tỉnh Tây Nguyên đặt mục tiêu tái canh khoảng 120.000 ha cà phê. Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) cũng cam kết cung ứng gói tín dụng dành cho chương trình tái canh cà phê với tổng vốn 12.000 tỷ đồng.

tai_canh_cpth.jpg
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT chủ trì thảo luận tại Hội nghị đánh giá kết quả chính sách tín dụng phục vụ tái canh cà phê.
Tuy nhiên, dư nợ cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đến nay mới chỉ đạt 758 tỷ đồng với tổng diện tích là trên 9.000 ha.  Trong đó, riêng tỉnh Lâm Đồng đã chiếm tới gần 700 tỷ đồng, các tỉnh còn lại dư nợ đạt rất ít, riêng tỉnh Kon Tum không phát sinh dư nợ.

Tại Hội nghị, hàng loạt những khó khăn, vướng mắc khiến doanh nghiệp, nông dân không thể tiếp cận gói tín dụng 12.000 tỷ đồng đã được xác định, từ việc không được giải ngân trọn gói một lần tổng tiền được vay; lãi suất không ưu đãi; giá trị tài sản được thẩm định cho vay thấp; cách thức tái canh theo hình thức “ cuốn chiếu” của nông dân không phù hợp với quy trình tái canh cà phê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn…

Về phía ngành ngân hàng cũng thừa nhận, đề án tái canh chỉ hỗ trợ tín dụng đối với những diện tích nằm trong quy hoạch, trong khi các tỉnh Tây Nguyên mới chỉ có quy hoạch chung, chưa có quy hoạch chi tiết nên không có căn cứ để phê duyệt phương án cho vay.

Các ý kiến tại hội nghị thống nhất trong thời gian tới, ngành ngân hàng cần tiếp tục ưu tiên nguồn vốn đầu tư tín dụng phục vụ việc tái canh cà phê các vườn cà phê già cỗi, bị sâu bệnh thông qua việc đơn giản hoá các thủ tục, giải ngân trọn gói vốn vay, nâng hạn mức và giảm lãi suất cho vay.

Ông Đồng Văn Quảng, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam  đề nghị: Quá trình tái canh cây cà phê cần đầu tư chi phí lớn cùng thời gian tái canh lâu. Mặc dù đã được các tổ chức tín dụng cho vay vốn với mức lãi suất 6,5%, nhưng thực tế các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn này do những thủ tục hoặc những yêu cầu của ngân hàng.

“Hiện nay chúng tôi tiếp tục đề nghị phía ngân hàng tạo điều kiện cho người sản xuất cà phê, mức lãi suất nên hạ xuống mức 6% là hợp lý. Đặc biệt, Chính phủ phải có gói tín dụng dành riêng cho cà phê, giống như gói hỗ trợ dành cho bất động sản, thuỷ sản mới đẩy nhanh chất lượng tái canh cây cà phê”, ông Quảng chỉ rõ./.