Đến thời điểm này, thành phố Cần Thơ đã hoàn thành thu hoạch hơn 95% diện tích lúa đông xuân 2013-2014. Tuy nhiên, việc triển khai thu mua tạm trữ lúa gạo trên địa bàn thành phố Cần Thơ thực hiện chậm đã làm nông dân gặp nhiều khó khăn.
Cũng như các hộ nông dân khác, vụ đông xuân này gia đình ông Nguyễn Hữu Bê xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ có 50 công ruộng. Gia đình ông đã thu hoạch cách đây một tháng, hiện ông đã tiến hành xuống giống vụ Hè Thu 2014 được hơn 15 ngày. Tuy nhiên, với lúa thu hoạch vụ đông xuân, ông chỉ bán được 10 tấn lúa tươi khi thu hoạch. Hơn 40 tấn lúa còn lại được ông sấy khô và chỉ mới bán cách nay vài ngày.
Lý do của ông cũng như nhiều nông dân ở đây chưa vội bán lúa là do chờ tín hiệu từ chương trình thu mua tạm trữ của Chính phủ. Nhưng do gặp khó khăn trong việc đầu tư cho sản xuất từ đầu vụ và cần vốn cho việc sản xuất vụ hè thu nên ông đành phải bán với giá thấp.
“Đầu vụ bán được một số lúa tươi còn một số thì phơi khô để chờ xem giá có lên không nhưng nó không lên thì cuối cùng cũng bán luôn để giải quyết cái khâu vật tư mình mua thiếu, hầu hết nông dân ở nông thôn đều mua thiếu hết chứ không có tiền mặt để mua, mua thiếu như vậy lại có lãi, khi mình thu hoạch xong mình trả mà còn thiếu thì phải trả lãi khoảng 3%”, ông Bê cho biết
Mặc dù Chính phủ có chủ trương thu mua lúa tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo cho nông dân, thời gian từ ngày 15/3 đến 30/4 tới, doanh nghiệp thu mua được hỗ trợ tối đa 6 tháng lãi suất (kể từ 20/3) là 7%, nhưng do thị trường xuất khẩu khá trầm lắng, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đẩy mạnh thu mua. Chính vì thế, giá lúa tại Cần Thơ cũng như nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL vẫn chưa được cải thiện đáng kể.
Theo báo cáo của Sở NN và PTNT TP Cần Thơ, Vụ đông xuân này tại thành phố Cần Thơ có 23 doanh nghiệp tham gia thu mua tạm trữ, với chỉ tiêu được giao là 137.000 tấn quy gạo. Sau gần 4 tuần thực hiện chủ trương của chính phủ về việc thu mua tạm trữ lúa gạo, đến thời điểm này các doanh nghiệp chỉ mới thu mua được hơn 55.000 tấn quy gạo đạt khoảng 40% chỉ tiêu.
Thực tế về hiệu quả của việc thực hiện mua tạm trữ lúa gạo trong thời gian qua còn nhiều bất cập chưa đạt như mong muốn; bất cập về giá cả, thời điểm thu mua và số lượng lúa gạo thu mua tạm trữ. Đặc biệt, nhiều nơi nông dân không có điều kiện bán lúa trực tiếp cho các doanh nghiệp mà phải qua trung gian thương lái với giá khá rẻ nên chưa đảm bảo được lợi nhuận từ 30% trên giá thành sản xuất trở lên. Theo nhận định của các doanh nghiệp và nông dân, thì chính sách thu mua lúa gạo cũng chỉ là giải pháp tạm thời để giải cứu thị trường lúa gạo.
Ông Phạm Thái Bình Giám đốc Cty TNHH Trung An, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ khẳng định: “Lối thoát cho người nông dân và DN mang tính ổn định lâu dài thì chỉ có áp dụng Cánh đồng lớn và liên quan đến cả quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra. Chúng ta thấy vụ Đông Xuân vừa rồi, cả chục triệu tấn lúa nhưng mà mình mua có 1 triệu tấn gạo thì không thấm vào đâu cả. Do vậy chúng ta phải có một chiến lược cơ cấu lâu dài”.
Khi chưa tìm được giải pháp tối ưu thì thu mua tạm trữ được xem là cách giải quyết khó khăn trước mắt cho ngành hàng lúa gạo. Tuy nhiên, để thực thi chính sách một cách hiệu quả, cần thiết phải có sự phối hợp từ nhiều phía nhằm tìm ra được tiếng nói chung để mang đến lợi ích thực sự cho người trồng lúa. Qua đó góp phần phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững./.