Theo Tổng cục Thống kê, quý I năm nay, 24,6% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu giảm so với quý trước, 25% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất cao hơn, còn lại các doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu ổn định.
Nhận định về xu hướng trong quý II, Tổng cục Thống kê cho rằng, so với quí I, sẽ có 42,9% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu; 14% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 43,1% số doanh nghiệp dự kiến ổn định.
Bên cạnh đó, chi phí sản xuất trong quý I có 33,5% số doanh nghiệp cho rằng chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm tăng. Dự kiến trong quý II, có 28,6% số doanh nghiệp dự kiến chi phí sản xuất sẽ tăng. Trong bối cảnh đó, 19,3% doanh nghiệp có giá bán sản phẩm trong quý I tăng. Và tới gần 26% doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho tăng trong quý này.
Trong báo cáo kinh tế vĩ mô châu Á và Việt Nam do HSBC vừa công bố cuối tháng 3 cũng có đánh giá: Nhập khẩu của Việt Nam tăng mạnh, đạt mức 20,7% so với đầu năm, trong khi xuất khẩu chỉ tăng khiêm tốn, đạt 7,6% so với đầu năm. Dù vậy, theo nhận định của HSBC tốc độ tăng này vẫn khá tích cực so với sự suy thoái của chu kỳ hàng hóa. Ngoại trừ hạt điều và trà, hoạt động xuất khẩu hàng hoá đều giảm so với đầu năm. Năng lực cạnh tranh ngày càng tăng của Việt Nam trong ngành sản xuất tập trung lao động đang hỗ trợ cho những con số về thương mại. Dệt may, giày dép, điện tử và điện thoại đều tăng mạnh./.