Nhiều doanh nghiệp ngành da giày khu vực phía Nam cho biết, đã ký được đơn hàng xuất khẩu đến Quý 3/2014 do một số đối tác chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang.

Theo Công ty Giày Liên Phát (Bình Dương), hiện công ty đã có đơn hàng đến hết tháng 9, sản xuất khoảng 1 triệu đôi, tăng 200.000 đôi so với cùng kỳ năm trước. Theo bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty Giày Liên Phát, sở dĩ đơn hàng của công ty tăng cao (15%) so với mọi năm vì hai nguyên do:

Thứ nhất, các đối tác nước ngoài chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam để có thể hưởng lợi từ Hiệp định TPP. Thứ hai, chi phí nhân công lao động ở Trung Quốc tăng cao, trong khi nguồn lao động tại Lào và Campuchia lại không đủ sức đáp ứng.

Không riêng công ty Giày Liên Phát có tín hiệu vui, ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội da giày TP HCM cho biết, không ít doanh nghiệp của hội có đơn hàng kéo dài đến tháng 6 hoặc tháng 7.

Ông Khánh cũng cho rằng nguyên nhân khiến đơn hàng da giày tăng cao từ đầu năm đến nay là do đối tác nước ngoài chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang nhằm lấy xuất xứ từ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế theo TPP.

Đơn hàng tăng cao cũng khiến doanh nghiệp lo ngại

Qua khảo sát các hội viên, ông Khánh cho biết điều mà các công ty hiện nay lo nhất là thiếu nguồn lao động. Do tình hình khó khăn của các năm trước, nhiều công nhân ngành da giày đã chuyển sang làm các công việc khác. Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng quan ngại chi phí đầu vào không ổn định sẽ khó duy trì tốt các đơn hàng.

Theo ông Khánh từ năm 2014 trở đi các doanh nghiệp ngành da giày sẽ được hưởng nhiều điều kiện kinh doanh thuận lợi.

Cụ thể, trong năm 2014, ngành da giày đã được đưa ra khỏi danh mục trưởng thành của EU và được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) trong thời gian ba năm kể từ ngày 1-1-2014. Theo đó, trong ba năm tới, mức thuế áp dụng cho sản phẩm giày dép có xuất xứ từ Việt Nam sẽ được giảm xuống còn từ 3,5-4% thay vì 13-14% như trước.

Với những chuyển biến tích cực trên thị trường, các doanh nghiệp trong ngành cho rằng mục tiêu xuất khẩu của ngành da giày và túi xách trong năm 2014 có thể nằm trong tầm tay, đạt ít nhất là 12 tỉ USD. Năm 2013 đạt 10,3 tỉ USD, trong đó da giày đạt 8,7 tỉ USD./.