Trong tháng 8, một số doanh nghiệp đã ký đơn hàng xuất khẩu đến hết năm.
Tuy nhiên, ngay tại thị trường nội địa, sản phẩm dệt may của Việt Nam hiện đang cạnh tranh gay gắt với sản phẩm dệt may của một số nước lân cận và một số quốc gia mới nổi trong ngành.
Mặt khác, ngành dệt may hiện nay chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, thiếu đầu tư vào phân khúc sợi - dệt - nhuộm - hoàn tất nên 8 tháng so với cùng kỳ, sản xuất vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 192,1 triệu m2, giảm 2,5%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 452,5 triệu m2, giảm 7,5%. Tuy nhiên, sản lượng quần áo mặc thường ước đạt trên 1,77 tỷ cái, tăng 11,1%.
Vì vậy, Bộ Công Thương cho rằng, song song với việc tiếp tục củng cố vị trí tại các thị trường xuất khẩu truyền thống và mở rộng thêm các thị trường tiềm năng, các doanh nghiệp trong ngành cần chủ động nguồn lực, đầu tư thiết bị công nghệ cho khâu dệt - nhuộm - hoàn tất, gia tăng giá trị bằng cách giảm dần gia công, phát triển thương hiệu và củng cố hệ thống phân phối sản phẩm để giữ vững thị phần ngay tại thị trường nội địa.
Trong tháng 8, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã khởi công dự án Nhà máy Sợi Phú Hưng tại khu công nghiệp Phú Bài (Tỉnh Thừa Thiên Huế) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Dệt May Việt Nam tại thị trường nội địa và hội nhập thị trường thế giới, phát triển tiềm năng sản xuất và tiêu thụ sợi./.