Nhiều thửa ruộng nhỏ, phân tán được dồn lại thành thửa lớn, tạo thuận lợi cho địa phương tiến tới xây dựng cánh đồng mẫu lớn, hình thành các vùng chuyên canh, nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích đang mở ra một hướng mới trong sản xuất nông nghiệp tỉnh Quảng Trị.

Ông Nguyễn Đình Tấn, ở xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị cho biết, gia đình làm hơn 1 mẫu ruộng nhưng trước đây phải có đến 16 thửa manh mún, phân tán tại nhiều nơi, tốn nhiều công và chi phí trong sản xuất. Năm ngoái, hợp tác xã thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, ghép những mảnh ruộng nhỏ lẻ thành thửa lớn, gia đình ông còn lại 3 thửa nằm gần nhau.

Ông Tấn phấn khởi bởi bây giờ ruộng tập trung nên thuận tiện trong đầu tư sản xuất, sử dụng máy móc cơ giới để làm đất, gieo cấy và thu hoạch nhanh hơn so với trước.
canh_dong_mau_lon_ajcn.jpg
Nhờ dồn điền đổi thửa nên việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất thuận lợi hơn

Huyện Triệu Phong là một trong những địa phương có tốc độ dồn điền đổi thửa nhanh ở tỉnh Quảng Trị. Nhiều nơi, bà con xã viên nông dân tự nguyện cất bốc mồ mả, giao đất để hợp tác xã san ủi, dồn thửa, mở đường giao thông nội đồng, làm mương thủy lợi. Đến nay, hơn 90% đồng ruộng của huyện đã thực hiện xong dồn điền đổi thửa, tạo được ô thửa lớn để áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.

Ông Phan Quang Giải, Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị cho biết, đó là điều kiện thuận lợi để địa phương rà soát, thiết kế đồng ruộng như: hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, quy hoạch vùng canh tác các loại cây trồng... phù hợp cho sản xuất, tiết kiệm sức lao động, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích.

“Thời gian tới, chúng tôi tập trung chỉ đạo sẽ hoàn tất công tác dồn điền đổi thửa các đơn vị còn lại và hoàn thành việc đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà con nông dân,” ông nói.

Ðến nay, 6 huyện, thị xã với hơn 30.000 hộ nông dân trong tỉnh Quảng Trị đã thực hiện dồn điền đổi thửa, nhờ đó giảm 70% số thửa so với trước đây. Nhiều địa phương đã triển khai việc dồn điền đổi thửa lần 2, gắn với quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, nguyên liệu, phát triển kinh tế trang trại, xây dựng cánh đồng mẫu lớn có giá trị kinh tế cao. Riêng vụ đông xuân vừa qua, tỉnh Quảng Trị có 300 ha lúa được triển khai sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Bà con thống nhất sử dụng cùng một loại giống, gieo cấy cùng thời điểm và áp dụng cùng qui trình thuật chăm sóc.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Bài cho biết, việc dồn điền đổi thửa, góp phần tích tụ đất đai, tạo quỹ đất nông nghiệp, tiến tới hình thành nền sản xuất nông nghiệp bền vững.

Vài năm trước, nhắc tới mô hình cánh đồng mẫu lớn còn là chuyện khá xa vời đối với tỉnh nghèo Quảng Trị. Bây giờ, vùng nông thôn Quảng Trị đã xuất hiện những cánh đồng rộng lớn gắn với vùng chuyên canh nhờ công tác dồn điền đổi thửa. Thành công của dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn mới tỉnh Quảng Trị./.