Vụ lúa Đông Xuân 2013 - 2014, toàn vùng ĐBSCL đã mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn lên trên 100.000 ha, tăng 34.000 ha so với cùng thời vụ 2012 - 2013, nhiều nhất là tại An Giang, Cần Thơ. Cánh đồng mẫu lớn, một mô hình sản xuất theo hướng tập trung với sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp đang dần được khẳng định kết quả mang lại về mặt kinh tế và xã hội.
Với việc triển khai thí điểm ở nhiều địa phương cho thấy, khi tham gia mô hình này, đời sống người trồng lúa có những thay đổi rõ rệt. Ở một số nơi trong tỉnh An Giang, mô hình này đang từng bước giúp người nông dân thoát nghèo, vươn lên khấm khá. Giờ đây, với việc áp dụng mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, người nông dân đã vui hơn khi những kết quả mang lại rất đáng phấn khởi.
Đội ngũ kỹ sư của doanh nghiệp sát cánh cùng nông dân thăm đồng thường xuyên. |
Ông Nguyễn Văn Tắc ở xã Vĩnh Bình, Châu Thành, An Giang cho biết, mô hình liên kết sản xuất của cánh đồng mẫu là mô hình ông và nhiều người khác tâm đắc. Qua mô hình này, chuỗi giá trị được nâng cao, tạo cho hạt gạo có giá trị nhiều hơn. Nông dân được hưởng nhiều lợi ích thiết thực để tạo thương hiệu hạt gạo xuất khẩu.
Vụ lúa Đông Xuân này, việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân diễn ra chặt chẽ hơn, thông qua các hợp đồng doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc, thiết bị phục vụ cơ giới hóa sản xuất lúa.
Đến thời điểm thu hoạch như hiện nay, doanh nghiệp cam kết mua lúa hàng hóa của nông dân với giá cả phù hợp. So với những thửa ruộng không nằm trong cánh đồng mẫu lớn, những thửa ruộng trong mô hình này cho lợi nhuận cao hơn từ 1 - 4 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, khi nông dân chưa thấy mức lợi nhuận được đảm bảo thì lúa thu hoạch xong, nông dân lưu tại kho của doanh nghiệp, chờ mức giá chấp nhận được để bán.
Anh Nguyễn Văn Cường, nông dân sản xuất lúa nằm trong cánh đồng mẫu Vĩnh Bình do Công ty Bảo vệ thực vật An Giang đầu tư chia sẻ: Từ điệp khúc “trúng mùa rớt giá”, đến nay khi liên kết với các doanh nghiệp, quyền của người làm ra hạt lúa đã được nâng lên đáng kể. Đơn giản như việc khi thu hoạch xong, người nông dân thấy giá hợp lý thì bán, giá thấp có thể lưu lại tại kho chờ đợi giá.
Tuy nhiên, qua khảo sát triển khai mô hình ở một số địa phương cho thấy cánh đồng mẫu lớn cũng đang tồn tại một số khó khăn, bất cập. Trong đó, điển hình là tình trạng doanh nghiệp “chơi ép”, nông dân “bẻ kèo” liên tiếp diễn ra.
Ở Trà Vinh, Đồng Tháp, Cần Thơ, có những thời điểm tình trạng doanh nghiệp đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu, giống nhưng sau đó không bao tiêu hết sản phẩm nông dân làm ra. Không ít trường hợp khi giá lúa lên cao, nông dân sẵn sàng bỏ hợp đồng để bán cho doanh nghiệp khác hoặc thương lái bên ngoài.
Mặt khác, ở nhiều nơi nông dân sản xuất nhỏ, chưa quen liên kết, diện tích đất mỗi hộ ít, trình độ không đồng đều nên khả năng đầu tư, tiếp thu tiến bộ kỹ thuật hạn chế, ghi chép nhật ký sản xuất chưa có tiền lệ, vay vốn cũng còn khó khăn.
Tuy nhiên, vượt qua những “điểm nghẽn” của mô hình, có thể thấy sản xuất lúa theo mô hình “cánh đồng mẫu lớn” là một trong những lời giải bài toán lợi nhuận bền vững của người nông dân.
Kho trữ lúa kèm theo hệ thống sấy hiện đại phục vụ cho nông dân tham gia cánh đồng mẫu của Công ty Bảo vệ thực vật An Giang |
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, việc tham gia cánh đồng mẫu ở ĐBSCL hoàn toàn có thể hạ thấp giá thành sản xuất, cải thiện năng suất, chất lượng, tiến tới xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị lúa gạo trong khi lợi nhuận thu được vẫn đảm bảo.
Phương thức sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, với sự liên kết chặt chẽ, minh bạch và hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp là tiền đề để thực hiện mục tiêu này một cách bền vững. Đặc biệt, sự minh bạch và hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp và nông dân sẽ hạn chế rủi ro khi hàng hóa nông sản dư thừa, hạn chế “bẻ kèo” từ hai phía.
GS.TS. Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp hàng đầu cho rằng, với một bước tiếp theo khi trong cánh đồng mẫu lớn, những nông dân mua được cổ phần của công ty thì đời sống của họ còn nâng cao hơn nhiều.
“Mô hình cánh đồng mẫu lớn nên thực hiện theo Nghị quyết 26, trong đó có phần nói về công ty cổ phần nông nghiệp, trong đó nghiên cứu cách làm mới hơn, không phải đơn thuần chỉ là việc góp vốn. Người nông dân có sức lực, lao động và có sản phẩm làm ra có thể đóng góp, mua cổ phần bằng chính sản phẩm của họ làm ra. Như vậy, nông dân mới làm hết sức để vừa mua cổ phần, vừa bán sản phẩm của mình, gắn bó thật sự lâu dài với công ty”, GS.TS. Võ Tòng Xuân cho hay.
Theo các chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp, khi mô hình đã được thực hiện mang lại hiệu quả trong thời gian dài, khả năng thực hiện lớn thì cần phải có sự đầu tư nhiều hơn, đưa mô hình này được áp dụng rộng rãi hơn và mang lại hiệu quả cho sản xuất, lợi nhuận cho nông dân.
Do vậy, đã đến lúc cần phải làm “thật”, làm có căn cơ chứ không nên ở dạng làm “mẫu”. Từ đó, người nông dân mới có thể yên tâm gắn bó sản xuất với cây lúa, góp phần vào công tác đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người nông dân./.