Vòng đàm phán cuối cùng trong năm 2013 về TPP sẽ được các bộ trưởng 12 nước thành viên nhóm họp vào ngày 7/12 tại Singapore. Hiện, vấn đề về cải cách doanh nghiệp nhà nước vẫn gây ra nhiều quan ngại.
Trước đó, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, từ 28/10 đến 24/11 đã diễn ra liên tiếp 7 hội nghị đàm phán TPP. Sau 7 hội nghị này, phần lớn những mục tiêu dễ nhất trong hiệp định thương mại tự do giữa 12 nước đã được giải quyết, song các vấn đề gây tranh cãi như việc tiếp cận thị trường, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, tài sản trí tuệ... vẫn đang buộc phải bỏ ngỏ.
Cải cách doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam vẫn còn rất chậm chạp. (Ảnh: KT) |
Mặc dù trong tuyên bố đưa ra bên lề Hội nghị APEC ở Bali (Indonesia), diễn ra hồi tháng 10 vừa rồi, lãnh đạo các nước TPP đã nêu bật “những tiến triển đáng kể” trong các lĩnh vực, cam kết giải quyết tất cả các vấn đề tồn đọng vào cuối năm.
Song, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán TPP Việt Nam cho biết: “Nếu chúng ta chỉ nhắm đến một kết quả là các Bộ trưởng đạt được thỏa thuận cơ bản, sau đó các nhóm đàm phán sẽ soạn thảo lời văn và các bên có nỗ lực, đủ linh hoạt với nhau thì tôi nghĩ vẫn còn khả năng đạt được tại hội nghị bộ trưởng Singapore. Còn nếu như hướng đến một hiệp định đầy đủ, một văn bản toàn diện sẵn sàng để ký thì tôi nghĩ không thể được”.
Chưa chịu mở cửa
Qua các vòng đàm phán trong thời gian vừa qua, thì cách tiếp cận của TPP với doanh nghiệp nhà nước và mua sắm công là vấn đề gây quan ngại lớn nhất đối với Việt Nam, cho dù, nói như Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David B. Shear, các điều khoản trong TPP nhất quán với chính sách tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước.
Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, ông Võ Trí Thành cũng nói rằng, vấn đề hội nhập trong TPP hay các hiệp định mà Việt Nam đang tham gia đàm phán, là cơ hội mở cửa rất lớn cho chương trình tái cấu trúc kinh tế và doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, sự sẵn sàng của doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam tham gia quá trình này, theo ông Thành, còn quá thận trọng, chưa chịu mở cửa. Cũng không có gì là khó hiểu về thái độ này, bởi TPP đòi hỏi các đối tác tham gia phải tạo một môi trường bình đẳng cho các thành phần kinh tế, không có ưu đãi đặc biệt hay một đặc quyền nào khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Doanh nghiệp tư nhân và nhà nước cạnh tranh trên sân chơi công bằng, không thể để tồn tại tình trạng doanh nghiệp nhà nước được lợi hơn chỉ vì là doanh nghiệp nhà nước. Nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Chính phủ, bà Phạm Chi Lan nhận xét công cuộc cải cách doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam vẫn rất chậm chạp, thậm chí còn lôi thôi, mù mờ!
Việt Nam đã lỡ một “chuyến đò” để thực hiện cải cách doanh nghiệp nhà nước với WTO, nên đến giờ, sự minh bạch nhằm cải thiện môi trường kinh doanh chưa có nhiều cải thiện.
Theo vị chuyên gia kinh tế này, với TPP, liệu Việt Nam có dám chấp nhận đánh đổi, tìm kiếm một cơ hội mới thúc đẩy quá trình minh bạch, công bằng cho các thành phần kinh tế hay không, vẫn là điều khó khẳng định.
Thiếu động lực và áp lực
Tham gia TPP và chấp nhận những quy định, tiêu chuẩn mang tính quốc tế đối với thành phần kinh tế nhà nước trong khuôn khổ của hiệp định này, thì áp lực đối với quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước sẽ là rất gay gắt.
Trong khi tiến trình này ở Việt Nam trong suốt thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã rất hô hào thực hiện, nhưng các bước đi cụ thể gần như mới là trên giấy. Công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong cả năm 2013 mới tiến hành được 25 doanh nghiệp.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu, có đánh giá: “Nhìn chung, việc triển khai thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chưa có tính chiến lược, còn rời rạc, chủ yếu là chuyển giao nội bộ tập đoàn, tổng công ty hoặc giữa các doanh nghiệp nhà nước, chưa tạo ra động lực và áp lực để buộc các doanh nghiệp nhà nước đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp”.
Hiện, mới chỉ có năm quốc gia là Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Australia và Mexico đi đến thống nhất đồng ý để Malaysia, Peru, Brunei và Việt Nam có thời gian ân hạn 5 năm để điều chỉnh các chính sách liên quan đến doanh nghiệp nhà nước.
Đến giờ, có thể chắc chắn rằng Việt Nam sẽ không bỏ lỡ cơ hội đặt chân lên con tàu TPP. Nhưng một câu hỏi khó trả lời hơn là Việt Nam có thực sự cải tổ được hệ thống doanh nghiệp nhà nước hay lại “mắc cạn” như đã từng như vậy ở thời kỳ tham gia WTO mà chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã chỉ ra?
Theo TS. Phạm Duy Nghĩa, Đại học Kinh tế Tp.HCM, nếu cứ để doanh nghiệp nhà nước né tránh sức ép cạnh tranh, được ưu ái nhiều độc quyền kinh doanh, cơ hội tiệm cận đất đai và tín dụng từ nguồn lực của Nhà nước, thì sẽ xuất hiện những nhóm thế lực kiểm soát tài nguyên kinh tế của quốc gia.
Quốc gia nào cũng có doanh nghiệp nhà nước, nhưng thường chỉ kinh doanh những lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân không làm được, hoặc không có động cơ để đầu tư. Ông Nghĩa hy vọng với TPP, các thể chế sẽ được cải cách để thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển./.