Ngày 22/11, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ thông qua Chương trình Cải cách Kinh tế Vĩ mô CIEM-GIZ tổ chức Diễn đàn “Phục hồi tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế: Cơ hội và thách thức”.

Diễn đàn là hoạt động thường niên của CIEM tập trung thảo luận các vấn đề nóng về kinh tế của Việt Nam, thu hút sự tham gia của hàng trăm đại biểu là các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước, các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế.

tai-co-cau-kinh-te.jpg

Các đại biểu tham dự Diễn đàn cùng phân tích và thảo luận thực trạng nền kinh tế Việt Nam thời gian qua; đưa ra nhiều ý kiến, tư tưởng mới và gợi mở các giải pháp chính sách xoay quanh cơ hội tái cấu trúc nền kinh tế, phục hồi tăng trưởng trong thời gian tới (trong đó tập trung vào các trọng tâm của tái cơ cấu kinh tế như tái cơ cấu DNNN, tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu hệ thống tài chính).

Nhiều giải pháp có giá trị tham khảo tốt cho các nhà hoạch định chính sách cũng như quản lý nhà nước và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy và nâng cao hiệu quả quá trình thực hiện tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp.

Đại diện Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, TS Nguyễn Đình Cung, Quyền Viện trưởng đánh giá: “Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế đã xác định khuôn khổ tương đối rõ và chặt chẽ về cách thức triển khai tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Kết quả tái cơ cấu kinh tế cho đến nay mới chỉ là bước đầu. Vẫn còn “ngổn ngang” và “bộn bề” trên nhiều mặt, từ nhận thức, quan điểm tư tưởng cho đến sự “lúng túng” trong các giải pháp thực hiện”. Rất nhiều đề xuất giải pháp đã được đưa ra. Tuy nhiên, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh “phải nhanh chóng chuyển trọng tâm chính sách phục hồi kinh tế từ chú trọng quản lý tổng cầu sang các giải pháp cải cách phía cung của nền kinh tế”.

Cố vấn trưởng Chương trình Cải cách Kinh tế Vĩ mô của GIZ, TS Michael Krakowski nhấn mạnh rằng: với mục đích củng cố các định chế định hướng thị trường tại Việt Nam, Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô rất quan tâm đến cải cách kinh tế vĩ mô ở Việt Nam, làm sao để kinh tế Việt Nam tái cơ cấu, tăng trưởng và phát triển bền vững trong thời gian tới.

TS Michael Krakowski nhận định các kết quả thu được từ Diễn đàn là những gợi ý tốt cho Việt Nam trong quá trình tiếp tục cải cách nền kinh tế gắn với tăng trưởng bền vững và chuyển đổi mô hình tăng trưởng./.