Tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm, việc thoái vốn ngoài ngành còn gặp nhiều khó khăn, trong khi đó, cơ chế chính sách còn một số bất cập… đang ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị Đánh giá công tác tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước do Bộ Công thương tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, năm 2013 là năm đầu tiên thực hiện đề án tái cơ cấu của Bộ, công tác triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Bộ chỉ đạo tập đoàn, tổng công ty chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải; kiên quyết thoái vốn ngoài ngành như ngân hàng, tài chính, chứng khoán hoặc bất động sản; đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa của tập đoàn, tổng công ty, nhà nước…
Nhà máy đóng tàu Dung Quất được chuyển giao về cho PVN - Ảnh: Diệp Đức Minh/Thanh niên |
Kết quả cho thấy, một số doanh nghiệp có tiến độ cổ phần hóa nhanh, điển hình như Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, đã chuyển sang mô hình công ty cổ, công ty mẹ - con. Còn tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đến nay cổ phần hóa 18 tổng công ty... Một số tập đoàn tích cực thoái vốn ngoài ngành. Đơn cử như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoàn tất chuyển nhượng 1 triệu cổ phần tại Công ty Cổ phần Bảo hiểm Toàn cầu (GIC) sang Công ty international ERGO, giảm tỷ lệ sở hữu của EVN từ 22,5% xuống còn 20%, thu về 26 tỷ đồng.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng hoàn thành thoái vốn ở 7 đơn vị, tổng số tiền thu được hơn 200 tỷ đồng…Tuy nhiên, một số đại diện tập đoàn, tổng công ty cũng cho biết, việc thoái vốn của doanh nghiệp chưa đạt kết quả mong đợi. Ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết: “Về công tác thoái vốn ra khỏi lĩnh vực kinh doanh chính, trong điều kiện thị trường hiện nay không thuận lợi, và với nguyên tắc là bảo toàn vốn cao nhất, tất cả các doanh nghiệp đều phải thoái vốn khỏi lĩnh vực ngoài ngành. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhất trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy chúng tôi đề nghị Nhà nước sớm có chính sách cơ chế cụ thể, bộ, ngành có hướng dẫn chi tiết để chúng tôi có thể thoái vốn, đặc biệt là những đơn vị đang bị thua lỗ”.
Tính đến nay, Bộ Công thương đã sắp xếp được 447 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 348 doanh nghiệp. Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước vẫn còn hạn chế. Từ năm 2010 trở lại đây, tiến độ thoái, công tác cổ phần hóa doanh nghiệp chậm lại. Ngoài nguyên nhân khách quan là thị trường chứng khoán ảm đạm, khủng hoảng kinh tế trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản…thì chính các văn bản hướng dẫn như xác định giá trị đất đai, giá trị doanh nghiệp còn bất cập, làm cho quá trình cổ phần hóa chậm hơn. Một số cơ chế chính sách ban hành chưa phù hợp với doanh nghiệp như thoái vốn, chuyển vốn, quy định việc thoái vốn đầu tư không được thấp hơn giá trị sổ sách. Hoặc quy định công ty cổ phần chưa niêm yết nên việc chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính có giá trị trên 10 tỷ đồng phải đấu giá qua Sở Giao dịch chứng khoán…gây tâm lý lo ngại chần chừ, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thoái vốn của doanh nghiệp. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, các tập đoàn, tổng công ty cần tiếp tục rà soát ngành nghề kinh doanh và kiên quyết thực hiện đúng nội dung được phê duyệt trong đề án tái cơ cấu, triển khai đúng tiến độ đề ra: “Chúng ta cần chú trọng việc thoái vốn ngoài ngành, kiên quyết thực hiện cổ phần hóa. Có doanh nghiệp chậm so với kế hoạch cả mấy năm, đề nghị tập trung thời gian tới, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại chưa cổ phần hóa được. Ngoài ra, chúng ta cũng rà soát chấn chỉnh những khâu yếu kém và tổ chức lại những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không hiệu quả, thậm chí là cho giải thể. Năm 2014, các doanh nghiệp theo kế hoạch đã phải cổ phần hóa năm 2011, 2012, 2013 mà đến năm tới không thực hiện thì sẽ bị xử lý”./.