TS Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) phân tích nguyên nhân gia tăng cúm A "trái mùa" là do trong 2 năm dịch COVID-19, người dân thường xuyên đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách, thường xuyên rửa tay sát khuẩn... nên ít ghi nhận số ca bị cúm.

Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, người dân đang có tâm lý chủ quan, không còn đeo khẩu trang, sát khuẩn tay... tạo điều kiện cho cúm A lây lan và gia tăng. Các chuyên gia khuyến cáo, cúm A là bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, giống như COVID-19. Do đó, để phòng bệnh, người dân vẫn cần đeo khẩu trang tại nơi đông người, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 còn đang lưu hành.

Đáng chú ý, số lượng trẻ mắc cúm A trong mùa hè đang có xu hướng gia tăng. Những ngày gần đây, mỗi ngày Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Hòe Nhai tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhi đến khám, trong đó chủ yếu là trẻ bị bệnh đường hô hấp và tay chân miệng.

TS.BS Phan Thị Thanh Bình, Giám đốc BV ĐK Hòe Nhai cho biết, thời gian gần đây, số lượng trẻ đến khám gia tăng trong do xuất hiện cùng lúc của nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm A, tay chân miệng, sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, tỷ lệ bệnh nhân mắc COVID-19 đang có xu hướng tăng trong cộng đồng với nhiều biến thể mới...

TS.BS Phan Thị Thanh Bình khuyến cáo, khi trẻ sốt cao liên tục trên 39 độ C và các phương pháp hạ sốt không hiệu quả, cha mẹ cần đưa trẻ đi viện nhằm tránh nguy cơ co giật khi không kiểm soát được cơn sốt. Với trẻ sốt cao ăn kém dẫn tới nôn trớ nhiều, các gia đình cũng nên đưa đi trẻ viện vì trẻ có thể gặp tình trạng mất nước, thậm chí trẻ bị nặng có thể sốc... 

Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, chủng virus gây cúm A đang lưu hành chủ yếu hiện nay là cúm A/H1N1 và A/H3N2, cúm B - là những chủng cúm đã có vaccine phòng bệnh hiệu quả, chưa phát hiện chủng cúm A có độc lực cao như: H5N1, H7N9, H5N6, H5N8. 

Các chuyên gia khuyến cáo, dù đến thời điểm này, chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do cúm A, biểu hiện bệnh cũng tương đối nhẹ nhưng người dân tuyệt đối không chủ quan. Thông thường, người mắc cúm A có thể khôi phục sau 5-7 ngày nhưng với trẻ em và người trên 65 tuổi, người mắc bệnh mạn tính, đặc biệt bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, bệnh mạch vành, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch bệnh có thể diễn biến nặng nề, dễ chuyển thành ác tính. 

Ngoài ra, bệnh còn gây ra viêm tai giữa, viêm xoang, nhiễm trùng đường tiết niệu. Một số trường hợp có thể tiến triển nặng với các triệu chứng như sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi do suy tim và có thể gây tử vong. Bệnh dễ chuyển thành ác tính đối với các trường hợp có tiền sử mắc các bệnh mạn tính, suy giảm đề kháng, miễn dịch như suy thận, đái tháo đường, người nghiện rượu, phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ.

Với phụ nữ đang mang thai nếu mắc cúm A có thể gây ra biến chứng viêm phổi hoặc sẩy thai. Nếu mắc cúm trong 3 tháng đầu có thể gây ra biến chứng ở thai nhi, nhất là bệnh lý về hệ thần kinh trung ương.../.