Vòng đàm phán bổ sung về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã kết thúc vào sáng sớm nay (theo giờ Mỹ) tại thành phố Salt Lake, bang Utah, Mỹ.
Vòng đàm phán này có ý nghĩa quan trọng vì đây là cơ hội cuối cùng để các bên thu hẹp bất đồng trước cuộc họp mang tính quyết định tại Singapore vào tháng sau giữa Bộ trưởng các nước tham gia TPP.
Phóng viên TT Đài TNVN phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Công thương, Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh |
**Thưa Thứ trưởng, theo lịch trình thì vòng đàm phán tại Brunei vào tháng 8 vừa qua là vòng đàm phán TPP cuối cùng, vậy tại sao lại có phiên đàm phán lần này tại Utah? Xin thứ trưởng cho biết những nội dung chính cũng như mục tiêu của phiên đàm phán lần này?
-Phiên đàm phán tại Salt Lake City lần này là phiên đàm phán bổ sung, không có trong lịch trình đàm phán của năm 2013, với mục tiêu cố gắng kết thúc đàm phán càng nhiều vấn đề càng tốt.
Thực ra, chúng tôi có ý định kết thúc đàm phán tại Brunei vào cuối tháng 8/2013, nhưng do còn quá nhiều bất đồng nên chưa xử lý được và phiên đàm phán lần này nhằm giải quyết nốt những vướng mắc đó. Với những lĩnh vực đàm phán chưa thể kết thúc được thì sẽ cố gắng tối đa để thu hẹp bất đồng và trình lên hội nghị bộ trưởng tổ chức ở Singapore từ ngày 7-10/12 tới để xem xét quyết định.
** Thứ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả mà vòng đàm phán lần này đạt được so với mục tiêu đề ra?
-Lần này, nhờ sự nỗ lực và linh hoạt của tất cả các đoàn đàm phán nên sau một tuần làm việc đã có tiến triển tương đối khả quan trong nhiều lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực mà từ trước đến nay được xem là khó đàm phán như sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước, lao động, môi trường.
Tuy nhiên, lĩnh vực đàm phán quan trọng nhất, không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều nước tham gia đàm phán TPP là hàng hóa thì theo đánh giá của cá nhân tôi là vẫn còn khá trì trệ.
Trước tình hình đó, Việt Nam đã khẳng định rằng xuất khẩu hàng hóa là quyền lợi quan trọng của Việt Nam nên đàm phán hàng hóa cần phải đạt được những tiến triển đủ lớn để Việt Nam có thể xem xét, cân nhắc và đưa ra quyết định cho các lĩnh vực đàm phán khác, kể cả các quyết định mang tính chính trị.
**Vậy những vấn đề còn lại nào sẽ được đưa lên bàn thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng sắp tới tại Singapore?
-Theo tôi, vấn đề quan trọng nhất mà các bộ trưởng phải quyết định là vấn đề hàng hóa vì đó là lợi ích có thể nhìn thấy được và tất cả các nước đều rất quan tâm.
Các Bộ trưởng phải đưa ra những quyết định tương đối khó khăn, xử lý một số mặt hàng có ý nghĩa quan trọng đối với các quốc gia tham gia đàm phán, ví dụ như dệt may và giày dép đối với Việt Nam, sữa đối với New Zealand, đường đối với Australia, hay ô tô đối với Nhật Bản. Đây là những mặt hàng rất quan trọng mà các bộ trưởng phải xem xét để đưa ra những nhân nhượng hay các gói đánh đổi khác nhau.
Chỉ khi đàm phán hàng hóa có tiến bộ đủ lớn thì mới tạo đà để đưa ra quyết định trong các lĩnh vực đàm phán còn lại.
Các bộ trưởng cũng phải xem xét để đưa ra quyết định trong những lĩnh vực đàm phán quan trọng khác như sở hữu trí tuệ, môi trường, lao động, doanh nghiệp nhà nước. Đây là những vấn đề tương đối phức tạp và nhiều vướng mắc nên các bộ trưởng sẽ phải làm việc hết sức vất vả để có thể đưa ra một gói đánh đổi tương đối toàn diện, từ đó giúp cho các nhóm đàm phán có thể hoàn thành công việc của mình.
Với các lĩnh vực đàm phán còn lại thì vấn đề tồn đọng không nhiều, chỉ một, hai vấn đề trong mỗi lĩnh vực, chẳng hạn như vệ sinh an toàn thực phẩm hay hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Với những lĩnh vực đó thì các bộ trưởng cũng phải đưa ra những gói đánh đổi khác nhau thì mới có thể kết thúc được.
** Với tư cách là Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam, ông nhận định thế nào về khả năng kết thúc đàm phán TPP cuối năm nay như các bên đã cam kết trước đó?
- Từ giờ đến cuối năm 2013 chỉ còn lại Hội nghị Bộ trưởng diễn ra tại Singapore. Đây là cơ hội cuối cùng để các Bộ trưởng xem xét và đưa ra quyết định quan trọng. Có kết thúc được đàm phán hay không là ở phiên họp này. Nếu như chúng ta hướng đến một hiệp định đã đầy đủ lời văn, toàn diện và sẵn sàng để ký thì tôi nghĩ là không thể được. Nhưng nếu chúng ta chỉ nhắm đến một kết quả là các Bộ trưởng đạt được thỏa thuận cơ bản, sau đó các nhóm đàm phán sẽ ngồi lại để soạn thảo lời văn, và nếu như các bên nỗ lực và đủ linh hoạt với nhau, thì tôi nghĩ vẫn còn có khả năng đạt được tại Hội nghị Bộ trưởng ở Singapore.
Theo tôi, các Bộ trưởng sẽ rất vất vả để giải quyết những vấn đề cuối cùng. Họ sẽ phải liên tục gặp gỡ song phương trong 4 ngày làm việc tại Singapore. Tôi mong đợi là hội nghị này sẽ góp phần xử lý được những vấn đề khó khăn cuối cùng để đưa đàm phán đến thành công.
** Xin cảm ơn Thứ trưởng./.