TP HCM hiện có khoảng 200.000 doanh nghiệp, trong đó phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mục tiêu mà lãnh đạo thành phố đặt ra là đến năm 2020, doanh nghiệp thành phố phải tăng gấp 2 thậm chí gấp 3 lần con số này. Mong muốn là thế, nhưng thực tế trong quá trình họat động, doanh nghiệp luôn gặp nhiều khó khăn, trở ngại đang cần sự vào cuộc tháo gỡ của lãnh đạo chính quyền thành phố.
Ngành cơ khí được coi là ngành công nghiệp chủ lực của thành phố, thế nhưng trong suốt thời gian dài, doanh nghiệp của ngành này đang chịu nhiều bất công về thuế suất, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và thiếu vốn.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty cơ khí Duy Khanh than rằng, công ty ông thành lập đã 27 năm, nhưng bấy nhiêu năm đã phải chịu sự nghịch lý về thuế suất.
Theo quy định, máy móc thiết bị của ngành cơ khí nhập khẩu có thuế suất bằng 0, nhưng máy móc thiết bị của các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước nhập khẩu lại phải chịu thuế suất. Đây chính là lực cản khiến cho ngành cơ khí chế tạo thành phố đang thua thiệt trong hội nhập, không cạnh tranh nổi với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
“Chính sách thuế đã tạo cho ngành cơ khí trong một thời gian rất dài không có cơ hội phát triển. Doanh nghiệp trong nước không hề có một doanh nghiệp chế tạo máy phát triển. Bởi vì máy chế tạo ra không tồn tại nổi, không cạnh tranh nổi”, ông Tống nói.
Còn với ngành thép, nhất là với doanh nghiệp xuất khẩu thép thì luôn nằm trong cảnh chờ đợi hoàn thuế và chịu phí cảng quá cao nên rất khó cạnh tranh.
Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch Hội Đồng thành viên Công ty TNHH thép Khương Mai đơn cử: Hàng Trung Quốc chở về đến Việt Nam chi phí thấp hơn chi phí bốc xếp hàng xuống tàu của Việt Nam xuất đi các nước. Điều mà các doanh nghiệp xuất nhập khẩu bức xúc đó là Nhà nước giữ vai trò chi phối các cảng nhưng lại không đầu tư nên dịch vụ bốc xếp dỡ tại các cảng Bến Nghé, Tân Thuận rất yếu kém, làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp.
“Giá dầu giảm cả năm nhưng cảng phí không giảm, thậm chí tăng. Một số thiết bị ở cảng không có, phải cho tư nhân vào. Tư nhân vào cũng phải có ăn chia rồi đẩy giá thành lên, nhưng phục vụ rất là kém. Nhiều khi đăng ký lấy hàng mấy ngày không xong”, ông Đinh Công Khương cho biết.
Doanh nghiệp xuất khẩu thép luôn nằm trong cảnh chờ đợi hoàn thuế và chịu phí cảng quá cao nên rất khó cạnh tranh. (Ảnh minh họa: KT) |
Đã vậy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm lại đang phải chật vật đối phó với nạn vải lậu tràn lan có giá rẻ như bèo trên thị trường hiện nay. Nếu tình trạng này kéo dài, e rằng không ít doanh nghiệp sẽ bị phá sản.
Một vấn đề mà nhiều doanh nghiệp luôn nhắc đến, đó là vốn. Hơn 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ đều phải vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh. Nhưng để vay được vốn thật quả là nhiêu khê, bởi vay được 10 đồng vốn thì cũng phải tốn mấy đồng chi phí, trong khi lãi suất cho vay ở Việt Nam luôn cao hơn lãi suất của các nước trong khu vực.
Điều đáng nói là kinh tế Việt Nam đang phục hồi và phát triển thì lãi suất ngân hàng phải ở mức thấp thì mới giúp doanh nghiệp vực dậy được. Hiện nay doanh nghiệp vay ngân hàng chủ yếu theo phương thức thế chấp tài sản.
Theo ông Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp Hội chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ TP HCM thì việc cho vay thế chấp này sẽ khiến doanh nghiệp khó phát triển.
“Nên thẩm định cho vay theo dự án. Nếu dự án khả thi, có hiệu quả, phục vụ cho phát triển của đất nước thì Ngân hàng mạnh dạn đầu tư để cho doanh nghiệp phát triển. Còn nếu dự án mặc dù có tài sản thế chấp, nhưng nếu không có hiệu quả, không có lợi cho doanh nghiệp cho đất nước thì ngân hàng nên tham mưu cho doanh nghiệp không nên đầu tư”, ông Hùng kiến nghị.
Theo các chuyên gia kinh tế, để hỗ trợ cho doanh nghiệp TP HCM phát triển, không có gì quan trọng bằng ba yếu tố: Thứ nhất, là kinh tế vĩ mô ổn định; thứ hai là minh bạch, rõ ràng, bình đẳng trong pháp luật về kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và thứ ba, nền hành chính phục vụ là nền công vụ phục vụ chứ không phải chỉ có quản lý.
Cùng chung quan điểm này, lãnh đạo TP HCM cũng đã chỉ ra rằng, trước hết lãnh đạo phải trực tiếp đi cơ sở nhiều, tiếp xúc nhiều mới nắm bắt hết tình hình, từ đó kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thứ hai, tất cả các sở, ban, ngành, các cơ quan công quyền của thành phố phải xem doanh nhân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ vô điều kiện chứ không phải là đối tượng quản lý; thứ ba là phải tạo cho thành phố một phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã cùng với lãnh đạo thành phố cam kết: “Thành phố cam kết tạo môi trường sản xuất kinh doanh, bình đẳng thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp được tiếp cận thông tin, công khai minh bạch; tiếp cận được với các chiến lược, quy hoạch phát triển của thành phố. Các chính sách hỗ trợ phải công khai minh bạch”.
Đặc biệt, lãnh đạo TP HCM cũng cam kết việc thực thi cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, trình độ năng lực và phẩm chất đạo đức của đội ngũ công chức, viên chức trong bộ máy công quyền thành phố; kiên quyết loại bỏ những người nhũng nhiễu doanh nghiệp, năng lực yếu kém trong bộ máy để phục vụ tốt hơn cho sự phát triển của doanh nghiệp./.