Bên cạnh những tác động tích cực về kinh tế -xã hội, hoạt động từ thiện của không ít doanh nghiệp (DN) Việt Nam hiện còn mang tính tự phát, thiếu phối hợp và chưa có chiến lược dài hạn mà chủ yếu là cứu trợ khẩn cấp bằng tiền và hiện vật.

Trong khi một số tổ chức xã hội, quỹ từ thiện hoạt động chưa thực sự hiệu quả, minh bạch, thì cộng đồng vẫn coi từ thiện đơn thuần là một hành động nhân đạo không gắn với kinh doanh.

Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều DN lớn đã thực hiện trách nhiệm XH với tầm nhìn và chiến lược dài hạn: Unilever với nhãn hiệu OMO thông qua dự án “Tăng cường giáo dục thể chất và các hoạt động vui chơi ngoại khóa cho trẻ em Việt Nam” hay Quỹ sữa “Vươn cao Việt Nam” của Vinamilk cho trẻ em nghèo cơ hội được uống sữa miễn phí. Các hoạt động này không chỉ giúp cộng đồng giải quyết những khó khăn trước mắt mà còn đem lại uy tín, thương hiệu và lợi nhuận kinh doanh gián tiếp.

Chẳng hạn, chiến dịch truyền thông "Trẻ học điều hay thì ngại gì vết bẩn" giúp doanh thu của OMO châu Á tăng lên 10 lần sau 6 năm thực hiện. Đây là một trong những sáng tạo kinh doanh mà nhiều DN Việt Nam đang thiếu những ý tưởng như vậy.

Vướng mắc khi DN làm từ thiện

Qua 9 cuộc tọa đàm với các DN, hiệp hội DN, các tổ chức XH, trong khuôn khổ dự án “Xây dựng các tổ chức XH bền vững ở Việt Nam” do Đại sứ quán Ai Len tài trợ thông qua Quỹ Châu Á tại Việt Nam thời gian qua cho thấy, vẫn còn không ít băn khoăn khi DN tham gia các hoạt động từ thiện.

“Dù số tiền làm từ thiện hàng năm lên đến 1 tỉ đồng nhưng hoạt động vẫn theo phong trào, chưa có chiến lược dài hạn” - Bà Bùi Thị Nữ (Hiệp hội DN Bình Dương) chia sẻ.

Bà Nữ cũng cho hay, Hiệp hội DN tự làm từ thiện gặp khó, nhất là việc khấu trừ thuế đối với hoạt động này.

Theo bà Bùi Thị Lệ Phương - Giám đốc DN tài chính và tư vấn thuế Taxco (Hà Nội) – cho biết: “Nếu DN làm từ thiện bằng tài chính của mình thì phải thông qua một tổ chức trung gian có pháp nhân thì mới được khấu trừ thuế tuy nhiên DN khó tìm được các tổ chức từ thiện có pháp nhân, minh bạch và đủ năng lực”.

Bà Phương cho rằng, DN và các tổ chức XH cần có hoạt động từ thiện mang lại lợi ích lâu dài, bởi “Một chút tiền, hàng cứu trợ nhân đạo không giúp người nghèo thoát khỏi đói nghèo mà cần giúp họ có một công việc đàng hoàng. Ví dụ như nhận và đào tạo người khuyết tật vào DN làm việc hay chia sẻ kiến thức thông qua các lớp nghiệp vụ”.

lam_tu_thien_adic.jpg
Nhiều doanh nghiệp tham gia vào công tác từ thiện. (Ảnh minh họa: Báo Gia Lai)

Dẫn chứng từ thực tiễn ở địa phương, một cán bộ phường ở Đà Nẵng cho biết: Chính quyền cơ sở muốn cải tạo một sân đá bóng bỏ hoang cho trẻ em, phần đất còn lại kêu gọi DN đầu tư sân tenis có thu phí, rồi dùng số tiền đó đầu tư cho sân bóng đá nhưng chưa thực hiện được. Vì theo quy định hiện hành, khu vui chơi giải trí công cộng thì không được thu tiền.

Các quy định chồng chéo

Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Trung tâm Hành động vì Đô thị, (Hội An, Quảng Nam) nêu hàng loạt vướng mắc. Trong đó, các tổ chức XH khi tham gia dự án XH hóa gặp nhiều khó khăn, bởi có nhiều cơ quan, ban ngành tham gia duyệt các đề xuất, nhiều quy định hiện hành không còn phù hợp. Mặt khác các tổ chức XH không đủ thẩm quyền đứng ra tổ chức, điều phối cuộc họp với các bên liên quan, nên khó giải quyết những cách hiểu khác nhau và đòi hỏi chưa đúng từ DN tài trợ.

Theo Báo cáo “Đánh giá nhanh Môi trường Pháp lý và Chính sách liên quan đến Từ thiện DN và Hợp tác với Khu vực XH Dân sự” do Quỹ Châu Á thực hiện năm 2015 cho thấy:  Về cơ bản hành lang pháp lý để khuyến khích các DN làm từ thiện tương đối đầy đủ, nhưng khi áp dụng thực tế lại không dễ."

Vì các quy định nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau; các văn bản pháp lý rất phức tạp sau nhiều lần sửa đổi bổ sung; các thủ tục để được hưởng các miễn giảm thuế rườm rà, mất thời gian và gây tâm lý e ngại cho DN; kiến thức về luật pháp liên quan của DN còn hạn chế; việc phổ biến các quy định pháp luật này còn yếu kém.

Hiện chưa có một đạo luật cụ thể hóa quyền của các tổ chức XH được quy định trong Hiến pháp về việc tham gia quản lý nhà nước và XH, dẫn đến cộng đồng và DN có những hiểu khác nhau, thậm chí phân biệt đối xử. Chính sự hiểu biết và mối quan hệ giữa DN và các tổ chức XH đang là cản trở cho hoạt động từ thiện hiện nay.

Để thúc đẩy mối quan hệ giữa DN với các tổ chức XH trong hoạt động từ thiện, tham gia giải quyết các vấn đề XH, Báo cáo khuyến nghị:  Cần sự hợp tác từ các bên là nhà nước, DN, các tổ chức XH và sự ủng hộ của cộng đồng; Hoàn thiện các quy định pháp luật về thuế, tài chính, trách nhiệm XH và phổ biến rộng rãi các quy định này tới DN.

Mặt khác, cần tăng cường hiểu biết và thay đổi nhận thức của XH đặc biệt là cơ quan công quyền và DN về các tổ chức XH. Ngoài ra các tổ chức XH cũng cần nâng cao năng lực, uy tín và tính minh bạch để lấy được sự tin tưởng từ cộng đồng./.