Hiện nay ở Việt Nam có nhiều quỹ từ thiện, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, các cá nhân hảo tâm và doanh nghiệp (DN)…thường xuyên tổ chức hoạt động từ thiện với số tiền lên tới hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm. Trong đó phần lớn hàng hóa, tiền mặt do các DN đóng góp hoặc trực tiếp trao tặng.

Anh Kiều Dũng, chủ một DN tư nhân ở Hà Nội cho biết, số tiền làm từ thiện của DN những năm qua đã lên nhiều tỉ đồng: “Trước đây, DN trực tiếp trao quà cho người nghèo hoặc đóng góp ủng hộ thiên tai, nhưng gần đây do không có thời gian nên chúng tôi gửi tiền tới các quỹ từ thiện hoặc tổ chức xã hội để nhờ họ trao giúp”, anh Dũng cho biết.

Mặc dù được đánh giá cao về ý nghĩa thiết thực từ hoạt động từ thiện của cộng đồng xã hội, song vẫn có ý kiến đặt vấn đề: Ngoài cứu trợ khẩn cấp, việc làm từ thiện (nhất là của DN) nên tập trung bài bản hơn để góp phần xóa nghèo bền vững, thay vì năm nào cũng đi làm từ thiện bằng hình thức trao quà. Tuy nhiên, những nhà hảo tâm khác lại cho rằng, để hướng tới bền vững, người dân ở vùng nghèo phải có cái ăn, cái mặc, ổn định nhu cầu trước mắt, nghĩa là phải “có bột mới gột nên hồ”.

Còn theo các nhà hoạt động xã hội, khi làm từ thiện nên xem xét điều kiện cụ thể để “vừa trao cá - vừa tặng cần câu”. Riêng với DN, bằng nguồn lực đa dạng cần thực hiện theo hướng “vừa trao cá, vừa tặng cần câu và chỉ cho cộng đồng cách câu cá” sẽ mang lại hiệu quả bền vững hơn.

tt23_tlwp.jpg
Nhiều doanh nghiệp làm từ thiện từ việc hỗ trợ khẩn cấp đã chuyển dần sang hỗ trợ chương trình dài hạn hơn.

Từ thiện không tạo giá trị trực tiếp kinh doanh

Phân tích về hoạt động từ thiện của DN, bà Tô Kim Liên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) cho biết, ở Việt Nam hiện nay, từ thiện DN có ba “cấp độ” khác nhau. Cấp độ thứ nhất là “hỗ trợ từ thiện khẩn cấp”, nhằm giải quyết những nhu cầu khẩn cấp của cộng đồng hay nhóm đối tượng cụ thể vượt qua khó khăn trước mắt. Đây là hỗ trợ từ thiện thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ của DN với tiền mặt, hàng hóa, dịch vụ sẵn có và sự tham gia của người lao động.

Cấp độ thứ hai là “hỗ trợ từ thiện mang tính chiến lược”. Theo đó, DN có thể sử dụng đa dạng khả năng chuyên môn, kỹ thuật và nguồn lực để đầu tư vào các chương trình từ thiện, chương trình hỗ trợ cộng đồng dài hạn hơn. Ví dụ, ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu đầu vào, tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương.

Ở cấp độ thứ ba, theo bà Liên “hỗ trợ từ thiện là tác nhân mang lại sự thay đổi”. Đây là những chương trình hỗ trợ sáng kiến hoặc ý tưởng có tính khả thi mang lại sự thay đổi tích cực về xã hội và môi trường trên diện rộng. Những sáng kiến và ý tưởng đó có thể góp phần giải quyết vấn đề lớn của xã hội, đóng vai trò thúc đẩy sự thay đổi tích cực cho cộng động và cho chính DN.

Trên thực tế đã có DN tiến dần từng “cấp độ” theo thời gian. Thời gian đầu, DN hỗ trợ tiền và hàng để cứu trợ thiên tai (từ thiện khẩn cấp), sau đó chuyển dần sang hỗ trợ chương trình dài hạn hơn như hỗ trợ cộng đồng xây nhà kiên cố phòng ngừa, ứng phó thiên tai thay vì cứu trợ (từ thiện mang tính chiến lược).

Ở cấp độ cao hơn, DN chuyển sang hỗ trợ những dự án, những chương trình lớn hơn. Trong đó áp dụng công nghệ cảnh báo sớm, nhằm tăng khả năng phòng ngừa, ứng phó để giảm thiểu rủi ro thiên tai. Hoạt động này được đánh giá là hỗ trợ từ thiện mang lại sự thay đổi. Các DN thường coi việc làm từ thiện là trách nhiệm xã hội thường xuyên. Chủ DN tư nhân Kiều Dũng quan niệm: “Đó là cái tâm của mình mà không cần được biểu dương hay ghi nhận công trạng”.

Nhưng theo khảo sát mới đây của CED đối với 74 DN tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM cho thấy, 87% DN cho rằng các chương trình từ thiện giúp họ xây dựng hình ảnh tích cực, củng cố mối quan hệ với khách hàng và tạo cơ hội cho DN tiếp cận với cộng đồng và chính quyền địa phương nơi DN hoạt động hay cung cấp dịch vụ, hàng hóa. Rất ít DN cho rằng các chương trình từ thiện tạo ra giá trị trực tiếp về mặt kinh doanh.

Doanh nghiệp muốn “trọn mặt gửi vàng”

Thực tế cho thấy các DN Việt Nam, nhất là DN nhỏ và vừa, mặc dù rất tích cực tham gia từ thiện, nhưng đa số chưa có kế hoạch cụ thể để hỗ trợ cộng đồng hiệu quả hơn; vẫn còn ít DN tham gia các chương trình dài hạn, góp phần giải quyết những vấn đề về môi trường và xã hội.

“Các nguồn lực của DN và ở ngoài xã hội còn rất nhiều”, Kiến trúc sư Trần Hữu Thọ, Giám đốc thiết kế Gia Mỹ Studio - một DN thường xuyên hoạt động từ thiện khẳng định. Theo ông Thọ: “Để nguồn lực ấy được kết nối và trở thành thực tế,  phải có 4 bên tham gia gồm: Nhà nước, cộng đồng, DN và các tổ chức xã hội”. 

Trong “4 bên” mà ông Thọ đưa ra, theo ông Nguyễn Diễn, Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng: “Mắt xích để kết nối nguồn lực chính là các nhóm trung gian. Đầu tiên là Hiệp hội DN, họ kinh doanh trên địa bàn nên sự tham gia của họ rất thiết thực. Thứ hai là các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ. Thứ ba: Luật DN 2015 có quy định mới về DN xã hội, lập ra để kinh doanh, nhưng trên 50% lợi nhuận phải đầu tư trở lại cho hoạt động xã hội”.

Ông Diễn cho biết: “Nhiều DN sẵn sàng ủng hộ làm từ thiện mang lại lợi ích lâu dài”. Tuy nhiên: “DN chỉ thực sự yên tâm khi tìm được những người tin tưởng, tâm huyết, có năng lực để quản lý đồng tiền của họ. Việc làm đó phải được bàn thảo một cách công khai, dân chủ, minh bạch trong cộng đồng. Nghe thì rất phức tạp nhưng khi đồng thuận sẽ làm tốt, cho dù khó”, ông Diễn chia sẻ./.