Sau cái bắt tay, gật đầu của doanh nghiệp

“Không gian công cộng” (KGCC), theo các chuyên gia, là những con đường dạo quanh hồ, là không gian giữa các khu nhà ở, các sân chung hay các khu đất xen kẹt có quy mô nhỏ được bố trí ngay trong khu dân cư. Đây là không gian để khu dân cư tổ chức các hoạt động tập thể, chia sẻ, hỗ trợ gắn kết mọi người, và quan trọng nhất là mọi hoạt động tại KGCC đều miễn phí.

Dẫn chứng một số dự án KGCC điển hình ở Hội An (Quảng Nam), bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Trung tâm hành động vì đô thị, cho biết: Hầu hết KGCC như sân chơi công cộng, Nhà cộng đồng, Công viên xây xanh mini ở khu dân cư, Tuyến hàng rào du lịch sinh thái… ngoài phần kinh phí hạn hẹp của nhà nước cấp, đều có sự ủng hộ của các DN, các tổ chức xã hội.

kgcc_bahv.jpg
DN cử cán bộ cùng người dân bàn mô hình thiết kế KGCC ở Hội An

Chẳng hạn, sân chơi An Mỹ (phường Cẩm Châu) với tổng kinh phí 180 triệu đồng, thì cộng đồng dân cư đóng góp 20 triệu, ngân sách phường vỏn vẹn 10 triệu, còn lại 150 triệu là do DN và tổ chức Health Bridge (Canada) ủng hộ. Công viên cây xanh Sơn Phô (phường Cẩm Châu) với tổng kinh phí hơn 800 triệu đồng, thì UBND phường chỉ cấp được 300 triệu. Đáng nói tới là Công trình Nhà cộng đồng Cẩm Thanh (xã Cẩm Thanh), nguồn vốn của địa phương chỉ chiếm trên 22% (425 triệu đồng), trong khi giá trị công trình lên tới gần 1,9 tỉ, phần còn lại (gần 80%) do xã hội hóa từ DN và các tổ chức xã hội.

Từ 2014 về trước, Công ty TNHH TM dịch vụ Du lịch Quang Anh (Hải Phòng) kinh doanh nuôi trồng thuỷ sản và nhà hàng tại Khu du lịch Cát Bà. Gần 2 năm qua, Công ty này hợp tác với một tổ chức của giới trẻ, Tổ chức Hành động vì Tương lai (Action for the Future - A4F) mở rộng dịch vụ du lịch với các chương trình câu cá trên biển, khám phá Vịnh Lan Hạ, du lịch trên vịnh bằng tàu, xuồng cao tốc...

Kết hợp sự tham gia của người dân địa phương, DN đã đầu tư thêm các dịch vụ giá thành rẻ đảm bảo môi trường. Trong đó có hệ thống trạm dừng chân, trạm trung chuyển giá rẻ, ký túc xá trên bờ, quán bar cho phép khách ngủ qua đêm với chiếu hoặc võng trên biển, cho thuê xe đạp, kayak dọc theo lộ trình… DN cùng cư dân địa phương tiếp nhận khách du lịch nước ngoài để có thu nhập bổ sung bên cạnh các hoạt động thường ngày của họ. Nhờ cách làm này, Công ty Quang Anh không chỉ tạo sinh kế bền vững cho người dân mà quan trọng hơn là môi trường sinh thái được bảo vệ.

Còn tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), hai năm trở lại đây xuất hiện những công viên, sân chơi công cộng miễn phí đầu tiên được xây dựng bằng tiền đóng góp của DN và các nhà hảo tâm. Từ nguồn ủng hộ của 13 DN và 30 cá nhân trong và ngoài địa bàn quận, Dự án Xã hội hóa công viên Cầu Giấy được đầu tư hơn 8 tỉ đồng đưa vào sử dụng năm 2013. Theo khảo sát của địa phương, Công trình đã mang lại hiệu quả rõ nét về xã hội, bảo vệ môi trường và góp phần nâng cao ý thức người dân trong khu vực (nhất là giới trẻ) về vai trò của KGCC trong một đô thị hiện đại.

Tháng 12/2015, UBND TP Hà Nội có văn bản số 8826/UBND-XDGT về việc quản lý vườn hoa, sân chơi công cộng trên địa bàn thành phố. Theo đó, TP chấp thuận địa điểm đầu tư xây dựng sân chơi, vườn hoa tại 118 phường xã, thị trấn; đồng thời giao UBND cấp quận chủ động kêu gọi xã hội hóa, đầu tư lắp đặt các thiết chế văn hóa - thể thao phục vụ nhu cầu của nhân dân và chịu trách nhiệm quản lý, vận hành các KGCC đó.

Duy trì KGCC – cần một sợi dây kết nối

Thực tế thời gian qua, DN ủng hộ cải thiện KGCC thường bằng tiền, bằng hiện vật (như ghế ngồi, cây xanh, dụng cụ tập thể dục thể thao), song cũng có DN hỗ trợ nhân lực miễn phí bằng việc cử cán bộ thiết kế, thi công, giám sát thi công công trình. Đây là nguồn lực chủ yếu để các tổ chức xã hội đứng ra kết hợp cộng đồng dân cư thực hiện xã hội hóa các dự án cải thiện KGCC.

Sân chơi xã Cẩm Thanh (Hội An) được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa

Đánh giá hiệu quả của hoạt động này, PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển DN, phân tích: DN và cộng đồng đạt được lợi ích trên ba phương diện về giá trị kinh tế, gìn giữ môi trường sống, đồng thời tăng giá trị thương hiệu cho DN. Tuy nhiên thời gian qua, một số DN thường coi hoạt động này mang tính chất từ thiện nhiều hơn mà chưa trở thành chiến lược trong phát triển của mình.

Theo bà Đặng Hương Giang, khi hoàn thành các công trình KGCC mới đạt được 20% mục tiều đề ra, còn lại 80% là duy trì hoạt động, duy tu, bảo dưỡng định kỳ. Để những công trình KGCC phát huy tác dụng, bà Giang cho rằng, phải có sự vào cuộc trước hết và chủ yếu của người dân sở tại và chính quyền cơ sở, nhất là lãnh đạo các thôn, làng, khu phố. Bởi trên thực tế đã có vườn hoa, sân chơi, khu sinh hoạt cộng đồng bị bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích.

PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân đề xuất: Để khai thác giá trị của KGCC, cần tiếp tục duy trì sự ủng hộ của DN và tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về giá trị bền vững của môi trường sống. “Nhưng ai đứng ra duy trì hoạt động này? Đó là các tổ chức xã hội. Các tổ chức này như một sợi dây có chức năng hỗ trợ, kết nối chính quyền sở tại - người dân và DN” - ông Quân nói./.