Tại hội thảo “Các thành phố thông minh” do Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam và Công ty Siemens tổ chức sáng 27/9, các đại biểu tham dự đã được chia sẻ những thông tin hữu ích về định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức xuất phát từ việc bùng nổ đô thị và tốc độ đô thị hóa chóng mặt trên toàn quốc. Do đó, nhu cầu đặt ra cấp bách trong việc phát triển đô thị thông minh.

vov_tptm3_ztzy.jpg
Ông Phạm Trọng Thực, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội thảo.
Theo ông Phạm Trọng Thực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), Chính phủ Việt Nam đã và đang rất quan tâm đến quá trình đô thị hóa; hiểu rõ vai trò và tầm quan trọng của các đô thị trong việc hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới, cũng như trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực.

“Việc xây dựng các thành phố thông minh là lựa chọn tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Việt Nam tin rằng, việc sử dụng các công nghệ đô thị thông minh là vô cùng cần thiết để hỗ trợ phát triển kinh tế đi đôi với kiểm soát các tác động từ quá trình đô thị hóa đến môi trường, cơ sở hạ tầng và an ninh xã hội, đồng thời để nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân đô thị”, ông Thực nói.

Chia sẻ những kinh nghiệm của một quốc gia có nhiều kinh nghiệm về xây dựng thành phố thông minh, ông Joerg Rueger, Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán Đức tại Hà Nội - phụ trách về bảo vệ môi trường và thiên nhiên, xây dựng và phát triển đô thị cho biết, Đức đã cho ra đời “điều lệ thành phố thông minh”, với cam kết phát triển đô thị tích hợp và bền vững.

Điều lệ này nhằm giúp các bên liên quan nhận ra những cơ hội và rủi ro của sự phát triển đô thị theo định hướng tương lai và có trách nhiệm từ giai đoạn ban đầu, cũng như để ngăn họ không có những quyết định sai lầm.

Theo ông Phạm Thái Lai, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Siemens Việt Nam, công ty đang làm việc với các thành phố như Hà Nội và TP HCM về các khu đô thị mới và giải pháp giao thông đô thị nhằm giúp giải quyết các thách thức đặt ra.

Là công ty sở hữu danh mục kỹ thuật số độc đáo để đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố, Siemens Việt Nam hiểu rằng, công nghệ số sẽ được tích hợp vào từ giai đoạn quy hoạch đô thị, do vậy có thể phát huy lợi ích tức thì thông qua việc giảm thiểu tắc nghẽn giao thông, cải thiện chất lượng không khí và tăng cường cung cấp điện ổn định./.