Sáng 18/8, tại TP HCM đã bắt đầu ngày làm việc đầu tiên của chuỗi các hội nghị quan chức cấp cao APEC (gọi tắt là SOM3). Trong ngày đầu tiên, Hội thảo về chia sẻ kinh nghiệm các tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp đối với lĩnh vực đô thị thông minh của khu vực APEC đã được tổ chức.

apec_vov_2__eemh.jpg
Ngày làm việc đầu tiên của chuỗi các hội nghị quan chức cấp cao APEC (gọi tắt là SOM3)
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, các thảo luận chuyên đề tại diễn đàn này là cơ hội để các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực APEC như: Việt Nam, Thái Lan, Philippines… học hỏi những kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh, hiệu quả từ những nền kinh tế phát triển trong APEC như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc…

Đồng thời cũng nắm bắt thông tin mới nhất về định hướng phát triển, những tiêu chuẩn của đô thị thông minh từ các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu thế giới như ISO, IEC.

Tại hội thảo, đại biểu đến từ các nền kinh tế APEC đã cùng nhau chia sẻ, trao đổi, bàn những biện pháp cải tiến và thúc đẩy việc áp dụng các tiêu chuẩn và cơ chế đánh giá, nhằm tạo điều kiện phát triển bền vững cho các đô thị thông minh tại các nền kinh tế thành viên. Đây cũng là diễn đàn góp phần cải thiện các hoạt động chuẩn hóa khu vực APEC.

Tại hội thảo, đại biểu đến từ các nền kinh tế APEC đã cùng nhau chia sẻ, trao đổi, bàn những biện pháp cải tiến... nhằm tạo điều kiện phát triển bền vững cho các đô thị thông minh tại các nền kinh tế thành viên.
Ông Phạm Lê Cường, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ - đơn vị chủ trì hội thảo cho biết tại Việt Nam, hiện có trên 20 tỉnh, thành phố đã có những thỏa thuận xây dựng thành phố thông minh.

"Chúng ta cứ hiểu thành phố thông minh là thành phố công nghệ thông tin, thành phố số ấy, thật ra về bản chất thì không đủ. Thành phố mà không phát triển bền vững thì không thể thông minh được. Thí dụ thành phố mà nhiều khí thải, rác rưởi, kẹt xe thì không thể gọi là thành phố thông minh được dù có kết nối thông tin đến mấy. Những lĩnh vực đó phải áp dụng khoa học công nghệ, như năng lượng phải sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Cho nên các thành phố thông minh trên thế giới hầu hết đều ở các nền kinh tế và các quốc gia phát triển"- ông Phạm Lê Cường cho biết./.