Sáng 11/12, Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức diễn đàn đầu tư và phát triển doanh nghiệp Việt Nam năm 2012. Diễn đàn nhằm lấy ý kiến đa chiều giữa đại diện cơ quan quản lý, doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu, các tổ chức nước ngoài của Việt Nam, để tìm ra những giải pháp tốt nhất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 11 tháng qua, cả nước có hơn 62.700 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng số vốn khoảng 403.000 tỷ đồng, giảm 10% về số lượng doanh nghiệp và 8,4% về vốn so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng trong thời gian này, cả nước có 48.700 doanh nghiệp dừng hoạt động; tập trung ở lĩnh vực bất động sản, thị trường chứng khoán, vận tải, dịch vụ lưu trú và ăn uống... Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, hiện có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhưng những chính sách này vẫn chưa đến được với những doanh nghiệp thực sự khó khăn: “Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn gặp khó khăn khi mà họ không có tài sản thế chấp, như vậy, việc ra đời của quỹ bảo lãnh tín dụng đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy nhiên, sự ra đời của quỹ từ năm 2001 đến nay cho thấy rất nhiều bất cập, như việc quy định quỹ ra đời ở địa phương thì các quỹ này hoạt động rất đơn điệu, rời rạc, chưa thực sự tạo được lợi thế mà chính sách đưa ra cũng như chưa giải quyết được vấn đề đó. Thứ 2, quỹ bảo lãnh tín dụng ở trung ương cũng đã giải quyết một phần nhưng quy mô bảo lãnh được cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất hạn chế”.

Theo tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, điểm nghẽn lớn nhất khiến doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn chính là thủ tục cho vay rườm rà. Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm nói: “Phần lớn các ngân hàng và các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì nợ quá hạn và nợ xấu gần như phổ biến. Mà đã nợ quá hạn, nợ xấu thì ngân hàng không cho vay. Vì vậy, làm thế nào để ngân hàng cơ cấu lại thủ tục để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp phải làm thế nào để đáp ứng yêu cầu. Hai bên phải đàm phán và thương lượng với nhau về cơ cấu lại một số điều kiện để tiến tới giải quyết được thủ tục này và có giải quyết được thủ tục này thì doanh nghiệp mới tiếp cận được vốn và ngân hàng mới đưa vốn ra".

Để hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp trong thời gian tới, các đại biểu cho rằng, các cơ quan chức năng cần tập trung hoàn thiện và đảm bảo khung pháp lý, cải cách thủ tục hành chính, tạo bước đột phá để doanh nghiệp tiếp cận vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay; hỗ trợ đổi mới công nghệ, cung cấp thông tin và xúc tiến mở rộng thị trường cho doanh nghiệp... ./.