Tỉnh Thanh Hóa có gần 8.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh, nhưng hiện nay còn gần 5.500 doanh nghiệp hoạt động. Riêng từ đầu năm đến nay có gần 300 doanh nghiệp giải thể, hoặc tạm ngừng hoạt động, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực cơ khí, xây dựng, kinh doanh dịch vụ bất động sản.
Trước thực tế này, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp dùy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, như tổ chức một số chương trình xúc tiến thương mại, tìm kiếm thông tin thị trường, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.
Ông Lê Ngọc Nghinh - Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cho biết: Sở tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh đưa ra một số nhóm giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Đó là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh, giảm tối đa chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp; tập trung đẩy mạnh cơ chế huy động vốn, vận dụng linh hoạt cơ chế cho vay; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc hoàn thuế, giảm thuế, giãn thuế; thực hiện rà soát, lập quy hoạch sử dụng đất để đảm bảo sử dụng đất có hiệu quả trong kinh doanh.
Theo ông Lê Đăng Thanh - Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm (Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa), tình trạng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tại Thanh Hóa đang có xu hướng tăng và ảnh hưởng rất lớn đến việc làm của người lao động.
Từ đầu năm nay, Trung tâm đã tiếp nhận và giải quyết gần 4.000 lao động đến đăng ký hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp./.