Những năm trước đây, sản xuất doanh dăm gỗ xuất khẩu được coi là ngành mang lại lợi nhuận cao. Thấy vậy, nhiều người ở Quảng Ngãi đã bỏ tiền đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất dăm gỗ. Nhưng việc phát triển một cách ồ ạt, thiếu quy hoạch đã dẫn đến tình trạng “cung vượt cầu”. Hậu quả là giờ đây không ít nhà máy dăm gỗ ở Quảng Ngãi rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, phải sản xuất cầm chừng, thậm chí là đóng cửa.
Hơn 1 tháng qua, 3 dây chuyền sản xuất gỗ dăm xuất khẩu của doanh nghiệp Kim Thành Lưu ở Khu kinh tế Dung Quất phải cho công nhân “ngồi chơi xơi nước”. Dù xoay xở đủ mọi cách nhưng doanh nghiệp này cũng không mua được nguyên liệu để phục vụ sản xuất. Trong khi đó, giá gỗ dăm xuất khẩu trên thị trường xuống quá thấp nên hoạt động không hiệu quả.
Doanh nghiệp Kim Thành Lưu không có nguyên liệu để sản xuất |
Ông Phạm Hoàng Anh, Phó Giám đốc Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Kim Thành Lưu ngán ngẩm: “Giá thị trường đầu ra không ổn định, lại chưa tìm được đối tác chính để làm hợp đồng cộng với nguyên liệu không đủ nên các doanh nghiệp cũng chỉ sản xuất cầm chừng. Đồng thời theo tính toán sơ bộ với giá cả thị trường hiện nay thì mỗi tấn bị lỗ khoảng 9%”.
Thời hoàng kim, dăm gỗ ở Quảng Ngãi sản xuất ra không đủ cung cấp cho đối tác nước ngoài đến từ Nhật Bản và Trung Quốc đã dần xa mờ. Lý do cũng vì làm ăn quá dễ dàng, lợi nhuận cao nên không ít doanh nghiệp đã thu mua nguyên liệu theo kiểu vơ vét, bất chấp chất lượng. Kiểu làm ăn “tham bát bỏ mâm” này đã dẫn đến việc thị trường Nhật Bản dần dần từ chối thu mua dăm gỗ ở Quảng Ngãi do sản phẩm kém chất lượng, không đủ quy cách và lẫn nhiều tạp chất.
Giờ đây thị trường tiêu thụ dăm gỗ của Quảng Ngãi phụ thuộc hoàn toàn vào các doang nghiệp Trung Quốc. Điều đó khiến cho thị trường trong nước chịu ảnh hưởng rất nhiều từ đối tác (Trung Quốc). Mỗi khi thị trường này suy giảm là hoạt động của ngành dăm gỗ ở tận Quảng Ngãi cũng bị yếu theo. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp Trung Quốc còn liên tục ép giá các chủ dăm gỗ tại Việt Nam.
Đầu năm, giá dăm gỗ xuất khẩu là 138 USD/tấn, hiện giờ chỉ còn 122USD/tấn. Nhưng để có 1 tấn dăm gỗ khô, các doanh nghiệp phải mua nguyên liệu với giá hơn 2 triệu đồng. Theo tính toán, hiện tại mỗi tấn dăm gỗ xuất khẩu các doanh nghiệp đang chịu lỗ từ 2 - 3 USD do đã lỡ ký hợp đồng với đối tác.
Ông Nguyễn Duy Ngọc, Giám đốc Cảng Gemadept Dung Quất, Quảng Ngãi cho hay: “So với thời điểm này năm 2011 mỗi tháng 2 cảng PTSC và Gemadept đón khoảng 10 tàu còn năm nay giảm xuống chỉ khoảng 5 chiếc”.
Cầu giảm nhưng cung lại tăng, nếu như cách đây 5 năm, toàn tỉnh Quảng Ngãi chỉ có 3 nhà máy sản xuất dăm gỗ thì đến nay đã tăng lên 18 nhà máy, đó là chưa nói đến 2 nhà máy đang trong quá trình xây dựng.
So với thời điểm này năm 2011 mỗi tháng 2 cảng PTSC và Gemadept đón khoảng 10 tàu còn năm nay giảm xuống chỉ khoảng 5 chiếc |
Theo tính toán của Hiệp Hội chế biến dăm gỗ xuất khẩu Quảng Ngãi, để bảo đảm công suất hoạt động cho 18 nhà máy này, mỗi ngày phải cần 18.000 tấn cây nguyên liệu. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Ngãi chỉ mới đáp ứng được 6.000 tấn, còn lại phải mua ở các tỉnh lân cận mà vẫn không đáp ứng đủ. Điều này dẫn tới tranh giành nguyên liệu, thậm chí mua cả cây non nên chất lượng gỗ dăm xuất khẩu không đảm bảo, các đối tác bắt đầu quay lưng, ép giá.
Ông Nguyễn Nị, Chủ tịch Hiệp Hội dăm gỗ xuất khẩu Quảng Ngãi phân tích: “Từ năm 2011 chúng tôi đã cảnh báo trước việc mở quá nhiều nhà máy dăm sẽ dẫn tới việc tranh mua nguyên liệu vào. Khi không đủ nguyên liệu thì chất lượng của dăm gỗ sẽ kém do làm bằng gỗ non, vỏ gỗ xen lẫn gỗ tạp. Lường trước điều đó, chúng tôi cũng đã tiến hành họp và bắt các nhà máy ký cam kết nhưng việc thực hiện thì không đúng như ý muốn”.
Hàng loạt nhà máy sản xuất gỗ dăm ở tỉnh Quảng Ngãi đang rơi vào tình trạng “dở sống dở chết”, đứng trước nguy cơ đóng cửa cũng là hệ quả của việc phát triển nhà máy dăm gỗ ồ ạt thiếu quy hoạch. Và một khi các nhà máy này ngừng hoạt động thì người trồng rừng cũng sẽ mang vạ lây./.