Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu của ngành dệt may và da giày đều đạt mức tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, triển vọng kinh doanh của ngành dệt may và da giày phụ thuộc nhiều vào việc phát triển các sản phẩm chủ lực và tránh tình trạng lệ thuộc nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu.
Hiện nay, tỷ lệ sử dụng nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm gần 50%. Trong đó, ngành mới chỉ đáp ứng được 2% nhu cầu bông, 1/8 nhu cầu vải và sản xuất được 140.000 tấn sợi mỗi năm.
Nguồn nguyên phụ liệu vẫn tập trung vào phân khúc trung bình và một số lĩnh vực sản xuất đồ bảo hộ lao động, việc sản xuất ra các sản phẩm cao cấp vẫn phải nhập phần lớn nguyên liệu. Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) đã kêu gọi các doanh nghiệp tập trung đầu tư phát triển sản xuất nguyên phụ liệu, vải, sợi để hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh.
Ông Trần Việt, Trưởng Ban thị trường, Tập đoàn dệt may Việt Nam cho biết, trong năm nay, Tập đoàn đã triển khai 43 dự án, bao gồm 12 dự án sợi, 2 dự án dệt, 14 dự án may, 7 dự án khác bao gồm khu công nghiệp, nhà ở cho công nhân, với tổng mức đầu tư 7.700 tỷ đồng. Trong đó, số vốn dành cho các dự án sợi, dệt và khu công nghiệp chiếm khoảng 5.100 tỷ đồng, còn 700 tỷ đồng là phục vụ cho khâu nguyên liệu.
Theo ông Việt, sự gắn kết giữa các doanh nghiệp may và doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu quyết định chất lượng sản phẩm, chủng loại sản phẩm để tạo ra chuỗi cung ứng trong nước một cách chủ động. Dự kiến năm nay, doanh thu may mặc nội địa tăng từ 10% - 15%, Tập đoàn Dệt may Việt Nam sẽ đóng góp khoảng 22.000 tỷ đồng, chiếm 30% toàn ngành.
“Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước nói chung về lĩnh vực dệt may Việt Nam và Vinatex nói riêng, rất cần có quy hoạch chi tiết của Nhà nước, về xác định quy mô của ngành dệt may trong mấy chục năm tới, từ 2020-2030, quy mô của ngành được xác định đến đâu và quy hoạch chi tiết theo địa phương để chúng tôi có sự chủ động nhất định. Khi mà Vinatex có sự chủ động vươn ra để đầu tư xác lập các chuỗi cung ứng của mình trong nước thì chúng tôi sẽ có cơ sở để cạnh tranh một cách lành mạnh và ở vị thế tốt so với các doanh nghiệp nước ngoài”, ông Trần Việt cho biết.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam, tỷ lệ nội địa hóa của ngành mới chỉ đạt từ 40% - 45%, trong khi nguyên liệu quan trọng nhất là da thuộc và da nhân tạo vẫn phải nhập khẩu. Đối với da thuộc thành phẩm, tỷ lệ nội địa hóa dưới 30%. Phần lớn nguyên liệu mũ giày vẫn phải nhập khẩu… Hơn nữa, Việt Nam mới chỉ cung ứng được vải cho sản xuất loại giày vải cấp thấp, các chủng loại vải cao cấp, máy móc thiết bị sản xuất sử dụng trong ngành đều phải nhập khẩu.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam cho biết, hiện nay nhập khẩu nguyên liệu của ngành da giày vẫn là bài toán nan giải. Trong giai đoạn này, việc quy hoạch các khu công nghiệp hỗ trợ, cụm công nghiệp nhỏ, trung tâm thương mại, giao dịch nguyên phụ liệu… để nâng cao giá trị sản phẩm là giải pháp hiệu quả để tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và phát triển bền vững.
“Nhập khẩu nguyên liệu là một bài toán rất nan giải, định hướng của chúng ta là sẽ chuyển dần nguyên phụ liệu vào trong nước để gia tăng giá trị nội địa. Tuy nhiên sẽ phải có lộ trình và bước đi thích hợp, phải phù hợp với năng lực khả năng tiếp nhận và năng lực của các doanh nghiệp nữa. Trong thời gian tới, xây dựng được một tiêu chuẩn quy chuẩn chuẩn cho sản xuất nguyên phụ liệu, nó là nền tảng ban đầu để cho các doanh nghiệp có cơ sở ban đầu định hướng cho việc xây dựng đầu tư các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu và nó cũng là một tiêu chuẩn để chúng ta đảm bảo được nguồn cung cho các doanh nghiệp sản xuất giày”, bà Phan Thị Thanh Xuân cho hay.
Việc Việt Nam chuẩn bị tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được xem là cơ hội lớn để các doanh nghiệp dệt may và da giày có động lực phát triển nguồn nguyên vật liệu trong nước. Theo Hiệp định này, để được hưởng các ưu đãi về thuế quan, tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm phải đạt từ 55% tổng giá trị trở lên.
Muốn vậy, trước hết ngành dệt may và da giày cần xây dựng được nguồn nguyên vật liệu của chính mình ở trong nước. Đồng thời, các doanh nghiệp cần đầu tư một cách bài bản về máy móc, khoa học công nghệ để nâng cao năng lực cung ứng nguyên vật liệu./.