Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân khẳng định như vậy tại buổi làm việc với các doanh nghiệp thuộc Hội da - giày và Hội Cao su - nhựa thành phố nhằm tìm giải pháp trong sản xuất kinh doanh nửa cuối năm 2014.

Báo cáo của Hội Cao su - nhựa TP HCM cho thấy, hiện cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực cao su - nhựa, trong đó TP HCM chiếm tới 70% doanh nghiệp và chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tổng doanh số toàn ngành cao su – nhựa năm 2013 ước đạt khoảng 8,4 tỷ USD, riêng TP HCM chiếm khoảng 41% tổng doanh số cả nước. 

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nhìn chung, đến nay ngành nhựa trong nước đã sản xuất được tất cả các chủng loại sản phẩm tiêu dùng và kỹ thuật đáp ứng nhu cầu nội địa.

Giai đoạn 6 tháng đầu năm 2014, do giá nguyên liệu thấp nên hầu hết các doanh nghiệp đều có lãi. Tuy nhiên, doanh thu cũng chỉ tăng nhẹ từ 2 - 5% tùy doanh nghiệp, không có doanh nghiệp phá sản.

Đại diện Hội cao su – nhựa TP HCM cho rằng, doanh thu ngành cao su- nhựa tăng không cao trong nửa đầu năm qua chủ yếu là do sức mua kém.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân chủ yếu khác mà ngành này đang gặp phải là khó khăn, vướng mắc trong việc thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường, đặc biệt là đầu tư công nghiệp hỗ trợ để giảm sự phụ thuộc nguyên liệu từ nước ngoài.

Đối với ngành da giày, thống kê cho thấy, TP HCM hiện có 143 cơ sở da giày, trong đó có 45 công ty, còn lại là cơ sở gia công tại nhà, với khoảng 200.000 lao động.

doanh_nghiep__sker.jpg

Doanh thu xuất khẩu ngành da giày của thành phố trong năm 2013 đạt hơn 3 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu chính của ngành da giày là châu Âu, châu Mỹ và tiêu thụ nội địa.

Những diễn biến căng thẳng trên biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam trong thời gian vừa qua đã tác động ít nhiều đến ngành da giày, nhất là khi nguồn nguyên phụ liệu chủ yếu đang nhập từ Trung Quốc.

Kiến nghị với thành phố, đại diện Hội Da - giày TP HCM nêu rõ, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là việc giá thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp hiện đang quá cao khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn để đổi mới công nghệ thiết bị.

Đặc biệt, hiện công nghiệp phụ trợ cho ngành da – giày Việt Nam còn rất yếu, phần lớn lệ thuộc thị trường nước ngoài nên các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Đại diện hội này đã kiến nghị UBND TP HCM có cơ chế hỗ trợ thuê đất trả chậm với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành khi di dời.

Đồng thời, hội cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần hướng dẫn làm dự án, giúp các doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi để đổi mới thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất.

Liên quan đến kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch TP HCM Lê Hoàng Quân cho biết, thành phố đã chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan nhanh chóng chọn khu đất phù hợp, diện tích khoảng 50ha để quy hoạch thành một khu vực riêng phát triển ngành da - giày và cao su-nhựa.

Khu chuyên biệt này cùng với những cơ chế ưu đãi đặc biệt sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp tập trung sản xuất kinh doanh, hợp tác, liên kết nâng cao năng lực, gia tăng giá trị của sản phẩm.

Đồng thời, thành phố giao Sở Công thương khẩn trương tổ chức các hoạt động kết nối ngân hàng với doanh nghiệp trong ngành, giúp các doanh nghiệp vay vốn, mua vật tư nguyên liệu phục vụ sản xuất 6 tháng cuối năm 2014./.