Chiều 28/5, tại Kỳ họp khóa 9 Quốc hội khóa XIII, các đại biểu quốc hội thảo luận ở hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013. Các đại biểu quan tâm nhiều đến tình hình thu, chi ngân sách, các khoản chi chưa thực hiện được cũng như vấn đề bội chi trong năm tài chính này lên đến 6,6% GDP so với mức 5,3% GDP được Quốc hội cho phép.

Chi cho giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ đạt thấp

Theo đại biểu Phùng Đức Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam lưu ý, trong quyết toán chi nhiều năm liền, khoản chi cho giáo dục - đào tạo và dạy nghề, đặc biệt cho khoa học và công nghệ đều không đạt, trong khi nhiều khoản chi cho đầu

Đại biểu Lê Nam, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa thì cho rằng, phần chi trong năm 2013 đã đáp ứng được những yêu cầu cấp bách của đất nước. Tuy nhiên, trong tình hình vượt chi cũng cho thấy kỉ luật kỉ cương trong tài chính chưa nghiêm, đặc biệt việc thực hiện chủ chương của Chính phủ trong việc quản lý đầu tư.

“Nhiều khoản chi đã đặt ra nhưng không thực hiện được lại trở thành nợ, ví dụ như chính sách nhà ở đối với người có công, mặc dù chính sách đã đặt ra nhưng không cân đối được nên đến nay chúng ta đang phải nợ dân. Trong bội chi đề nghị cần áp dụng chính sách quyết liệt tuân thủ dự toán để chấm dứt tình trạng tăng chi tại các địa phương”, Đại biểu Lê Nam chỉ rõ.

 

ngansach2013_bcou.jpg
Quốc hội thảo luận tại hội trường.
Không hài lòng với những khoản chi không thực hiện được, Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội băn khoăn, năm 2013 cần phải làm rõ những khoản chi quan trọng đã không đạt được, gây lãng phí nguồn lực như chi cho giáo dục, khoa học và công nghệ, các chương trình mục tiêu quốc gia y tế, sử dụng năng lượng, ô nhiễm môi trường…

Đồng tình với ý kiến của Đại biểu Khánh, Đại biểu Bùi Đức Thụ đoàn Lai Châu, nêu rõ: Cần rút kinh nghiệm trong việc sử dụng nguồn chi cho sự nghiệp giáo dục, khoa học công nghệ. Điều này không thực hiện được đã hạn chế việc chủ động trong điều hành ngân sách. Từ con số bội chi Ngân sách Nhà nước năm 2013 lên mức 6,6% GDP, Chính phủ cần rút kinh nghiệm báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi thực hiện.

Số liệu dự toán và quyết toán chênh nhau quá lớn

Tại buổi thảo luận chiều nay, Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng đề nghị, để tiện cho việc so sánh, nên chuyển lại con số thống kê của năm 2011 và 2012 theo chuẩn của năm 2013 khi nhận xét về tình hình kinh tế xã hội. Đáng chú ý, tốc độ tăng nợ công trong những năm 2011 – 2013 tăng rất cao trong khi tốc độ phát triển tăng GDP giai đoạn này cũng thấp hơn giai đoạn trước đó.

“Sự phối hợp giữa các ngành của Chính phủ trong việc xây dựng kế hoạch dự toán và quyết toán hàng năm. Không thể nào có sự chênh lệch quá lớn giữa dự toán và quyết toán tăng lên tới 33%. Trong khi đối với các dự án khác, nếu quyết toán tăng trên 10% mức dự toán đã phải phê duyệt lại do vậy vấn đề kỉ luật chi ngân sách cần cân nhắc lại”, Đại biểu Kiên chỉ rõ.

Về vấn đề chuyển nguồn, Đại biểu Kiên cho rằng, nhiều dự án chưa thực hiện đã duyệt rồi chuyển nguồn sang các năm sau, điều này dẫn đến tình trạng tất cả các con số không phản ánh đúng thực lực của kinh tế đất nước.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên cũng cho  rằng, số liệu và đánh giá của báo cáo quyết toán và báo cáo kiểm toán còn vênh nhau nên đã dẫn đến việc nhận định khác nhau. Do đó kiến nghị Chính phủ báo cáo thêm về vấn đề bội chi, làm rõ cơ sở pháp lý, danh mục cụ thể, chất lượng sử dụng và hướng hoàn trả để Quốc hội có thêm cơ sở quyết định thông qua.

Nhận định về vấn đề này, đại biểu Trần Du Lịch cũng không hài lòng về việc công tác dự toán và thực tế lệch nhau quá lớn. Bên cạnh đó, một số địa phương vi phạm Chỉ thị 1792 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về tái lập kỉ cương trong đầu tư, diễn ra trong nhiều năm.

“Từ nhưng điều trên cho thấy kỉ cương tài chính chưa nghiêm, nếu cần khắc phục thì trong Luật Ngân sách sắp thông qua cần phải sửa đổi những tồn tại về mặt thể chế thể hiện kỉ cương ngân sách không nghiêm cần phải được khắc phục ngay. Ủy ban tài chính ngân sách cần giám sát việc sử dụng ngân sách đặc biệt tại những nơi vi phạm để báo cáo Quốc hội”, Đại biểu Trần Du Lịch nói.

Báo cáo bổ sung về bội chi ngân sách năm 2013, Bộ Trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, việc bội chi do hai nguyên nhân: Tăng chi trả nợ quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng phát sinh năm 2011 và do tăng chi từ nguồn vốn giải ngân ODA.

Theo đó, hàng năm Quốc hội quyết định mức chi hoàn thuế giá trị gia tăng, tuy nhiên, khi hoàn trả các doanh nghiệp thực tế đều vượt mức Quốc hội duyệt. Tình trạng này xảy ra từ năm 2011 dẫn đến số nợ phát sinh 13.900 tỷ đồng nên năm 2013 Quốc hội duyệt tăng chi nhà nước để trả dứt điểm số còn nợ này.

Những năm gần đây, Chính phủ ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho ODA, các dự án quyết liệt giải phóng mặt bằng nên số giải ngân cao hơn dự toán, chủ yếu cần đầu tư cho các dự án cần đẩy nhanh tiến độ chủ yếu cho giao thông, nông lâm nghiệp. Tuy nhiên, so với GDP thực tế, đến 31/12 tăng trong giới hạn đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Đại diện Ủy ban Tài chính và ngân sách Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển báo cáo thêm về hai khoản thu mới vào Ngân sách Nhà nước năm gồm cổ tức và lợi nhuận doanh nghiệp để lại cùng khoản thu lợi nhuận được chia từ dầu khí. Nhờ 2 khoản thu này đã giảm được phần hụt thu của ngân sách Trung ương từ 47.000 tỷ đồng xuống còn 21.000 tỷ đồng.

Đối với việc xử lý các địa phương vi phạm Chỉ thị 1792 của Chính phủ, Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội cũng cho biết, vấn đề này đã quyết liệt xử lý, việc chấp hành kết luận của cơ quan kiểm toán cũng đã có nhiều cố gắng hơn./.