Tiếp tục ngày làm việc đầu tiên Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XIII, chiều 21/7, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, thừa uỷ quyền Thủ tướng đọc Báo cáo Quyết toán NSNN năm 2009.

Báo cáo nêu rõ: Tại kỳ họp thứ 4 (tháng 11/2008), Quốc hội Khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 21/2008/QH12 này 8/11/2008, quyết định nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2009: Tổng số thu: 389.900 tỷ đồng, bằng 21,5% tổng sản phẩm trong nước (GDP); Tổng chi là 491.300 tỷ đồng (bao gồm 14.100 tỷ đồng chi từ nguồn kết chuyển năm 2008 sang năm 2009); Bội chi: 87.300 tỷ đồng, bằng 4,82%GDP.

Năm 2009, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động trực tiếp đến nền kinh tế nước ta, làm cho sản xuất kinh doanh và xuất khẩu giảm sút, ảnh hưởng lớn đến việc làm và đời sống nhân dân.

Trong bối cảnh đó, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ chuyển hướng mục tiêu điều hành năm 2009 từ chống lạm phát sang chống suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội.

Chính phủ đã tập trung các nhóm giải pháp nhằm kích thích phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm; nâng cao hiệu quả đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu; mở rộng thự hiện các chính sáh an sinh xã hội, xoá đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân.

Quoc-hoi-1.jpg

Nhờ thực hiện kịp thời, quyết liệt các giải pháp nêu trên, cùng với sự đồng thuận và quan tâm thực hiện của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong cả nước, nền kinh tế nước ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn, tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 5,32%; chặn đà suy giảm xuất khẩu, nhiệm vụ thu, chi NSNN đạt kết quả quan trọng.

Theo đó, nhiệm vụ thu NSNN thực hiện đạt kết quả cao: Dự toán thu 389.900 tỷ đồng, quyết toán 454.786 tỷ đồng, tăng 16,6% so với dự toán, trong đó: thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 17.429 tỷ đồng, thu từ nhà đất tăng 19.138 tỷ đồng, thu viện trợ không hoàn lại tăng 2.908 tỷ đồng, phạt vi phạm hành chính tăng 3.268 tỷ đồng, thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước tăng 4,1% so với dự toán.

Về quyết toán chi, dự toán chi NSNN là 491.300 tỷ đồng, quyết toán 561.273 tỷ đồng, tăng 14,2% so với dự toán, chủ yếu tăng chi đầu tư phát triển (tăng 68.563 tỷ đồng) để chống suy giảm kinh tế. Số tăng chi được sử dụng từ nguồn dự phòng ngân sách, nguồn tăng bội chi NSNN và nguồn thu tăng NSNN.

Báo cáo cũng nêu rõ, qua công tác quyết toán, kiểm toán, thanh tra cho thấy: Việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán đã được các cấp có thẩm quyền quyết định có tiến bộ so với năm trước nhưng vẫn còn có nhiệm vụ triển khai chậm ở một số Bộ và địa phương.

Số chuyển nguồn sang năm 2010 thực hiện tiếp do triển khai chậm là 27.044 tỷ đồng, băng 3,8% tổng số chi NSNN năm 2009, thấp hơn năm 2008. Nhiều kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra đã được khắc phục và thực hiện tiến bộ.

Về số bội chi, quyết toán là 114.442 tỷ đồng, bằng 6,9% GDP, trong phạm vi Quốc hội cho phép (dưới 7%). Nguồn bù đắp gồm: vay trong nước 78.150 tỷ đồng; vay ngoài nước 36.292 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2009, dư nợ Chính phủ (bao gồm cả nợ công trái giáo dục và trái phiếu Chính phủ) bằng 42% GDP, dự nợ ngoài nước của quốc gia băng 39% GDP, trong giới hạn đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Báo cáo Thẩm tra về quyết toán NSNN năm 2009 do ông Phùng Quốc Hiền, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Quốc hội khoá XII trình bày cho rằng, quyết toán NSNN năm 2009 có những tiến bộ so với những năm trước đó, đã thực hiện khoá sổ, lập báo cáo quyết toán ngân sách năm cơ bản đúng thời hạn.

Công tác hạch toán kế toán, quyết toán của các Bộ, ngành và địa phương phản ánh sát thực tế hơn về tình hình tài chính, NSNN, bám sát các Nghị quyết của Quốc hội về NSNN, phân bộ ngân sách Trung ương và tuân thủ các quy định của Luật NSNN.

Uỷ ban Tài chính- Ngân sách đề nghị Quốc hội phê chuẩn Quyết toán NSNN năm 2009 như sau: Tổng thu cân đối NSNN 629.182 tỷ đồng (bao gồm cả thu chuyển nguồn từ năm 2008 sang năm 2009, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2008, thu từ quỹ dự trữ tài chính, thu hồi vốn ngân sách cho vay, thu huy đồng đầu tư của ngân sách địa phương theo quy định của Luật NSNN).

Tổng chi cân đối NSNN là 715.261 tỷ đồng (bao gồm cả chi chuyển nguồn năm 2009 sang năm 2010). Bội chi NSNN là 114.442 tỷ đồng, bằng 6,9% GDP (không bao gồm số chênh lệch thu lớn hơn chi của ngân sách địa phương).

Tiếp đó, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về việc ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã bầu Uỷ ban Thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội khoá XIII gồm 19 người do ông Ngô Văn Dụ làm Chủ nhiệm. Sau khi nghe báo cáo thẩm tra, Quốc hội đã biểu quyết tán thành tư cách 500 đại biểu Quốc hội khoá XIII.

Chủ tịch Quốc hội khóa XII Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII trình bày Tờ trình về số Phó Chủ tịch Quốc hội và số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII.

Theo Tờ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm có 18 thành viên, trong đó có Chủ tịch Quốc hội, 4 Phó Chủ tịch Quốc hội và 13 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong đó, 4 Phó Chủ tịch giúp Chủ tịch Quốc hội về 4 lĩnh vực: Pháp luật- tư pháp; kinh tế- tài chính; văn hóa- xã hội; Quốc phòng- An ninh.

Các ủy viên Uỷ ban Thường vụ: Một ủy viên làm Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; 9 ủy viên làm chủ nhiệm các ủy ban: Pháp luật, Tư pháp, Kinh tế, Tài chính-Ngân sách, Quốc phòng-An ninh, Khoa học-Công nghệ, Đối ngoại, Dân nguyện, Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên-Thiếu niên và Nhi đồng; Ủy ban về các vấn đề về xã hội; một Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và một Trưởng ban Công tác đại biểu./.