Trong Báo cáo kiến nghị cử tri do Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày trước Quốc hội, khẳng định: Tình trạng giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn với giá vàng thế giới hiện nay dẫn đến sự băn khoăn, thiếu tin tưởng của cử tri và nhân dân về năng lực của cơ quan nhà nước hữu quan trong việc quản lý điều hành thị trường vàng. Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, có những giải pháp xử lý, khắc phục tình trạng trên.
Phải điều tiết thị trường
Đại biểu Trần Du Lịch bày tỏ ủng hộ mục tiêu quản lý thị trường vàng theo hướng thiết lập trật tự kinh doanh vàng miếng. Bởi vì, thứ nhất, vàng miếng là vàng tiền tệ, quản lý nó như quản lý ngoại hối. Thứ hai, chúng ta không để vàng lá biến thành phương tiện thanh toán thì không bao giờ quản lý được thị trường tiền tệ. Thứ ba, chúng ta phải lưu ý rằng Nhà nước không khuyến khích đầu tư tích trữ vàng nhưng không cấm. Và tâm lý của người dân Việt Nam là vẫn ưa chuộng cất giữ tài sản bằng vàng. Đây là thực tế không thể phủ nhận. Điều đấy có nghĩa là chúng ta phải thừa nhận tồn tại thị trường vàng. Như vậy phải quản lý nó như quản lý ngoại hối.
Đại biểu Trần Du Lịch không ủng hộ độc quyền thương hiệu vàng quốc gia (ảnh Vũ Hạnh) |
Tuy nhiên, khi nêu ý kiến về thị trường vàng hiện nay, ĐB Trần Thị Diệu Thúy (đoàn TP HCM) bày tỏ băn khoăn: “NHNN đang như đi buôn vàng chứ không phải đang quản lý thị trường vàng”.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng: “Cái cần sửa hiện nay là NHTW không phải là người kinh doanh vàng mà phải quản lý điều tiết nó. Chúng ta tính toán lại mạng lưới kinh doanh vàng miếng. Hiện nay, đề ra tiêu chuẩn người kinh doanh vàng miếng có vốn điều lệ hàng trăm tỷ đồng là không khả thi. Tôi cho rằng, việc kinh doanh, phân phối vàng miếng có nghề và mạng lưới của người ta. Chúng ta không thể dùng biện pháp hành chính chủ quan mà có thể hạn chế được. Khai thông thị trường về cách phân phối và về cách quản lý thì giá cả sẽ sát với thị trường thế giới”.
Về câu chuyện đấu thầu vàng, quản lý thị trường vàng, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (đoàn TP HCM) đặt câu hỏi: “Sự đạt được của NH so với thiệt hại nhân dân đang gánh chịu thì cái gì lớn hơn? Bất bình của người dân đối với cách quản lý vàng là nhiều hơn chứ chưa thấy cái được”.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh cũng nêu băn khoăn của cử tri và đại biểu về việc tạm xuất, tái nhập trên 10 tấn vàng. “Thế thì ai, DN nào được tạm xuất, tái nhập lượng vàng này. Không phải DN nào cũng được cấp qouta này?”.
Theo cách hiểu của đại biểu Ngọc Ánh, vì SJC tồn tại trong dân quá nhiều phải đem ra nước ngoài kiểm định. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn: “Trong thời gian ngắn huy động sao đủ 10 tấn vàng để tạm xuất kiểm định rồi nhập về. Tôi nghi ngờ rằng, tạm xuất thì không có mà nhập thì có. Bởi lẽ, cùng thời điểm này giá USD ngoài thị trường biến động mạnh”.
Đại biểu phân tích, một lượng vàng thời điểm đó chênh 3 triệu đồng. Chi phí tạm xuất tái nhập hơn 1 triệu đồng. Chênh lệch nhau như vậy thì ai hưởng? Nhà nước có hưởng không hay DN hưởng. Đến giờ, chênh lệch trên dưới 6 triệu đồng/lượng. “Rào cản gì khiến giá vàng trong – ngoài nước không kéo lại với nhau. Sau gần 20 phiên đấu thầu, giá vàng lại kéo giãn ra? Tại sao NHNN lại ấn định giá vàng để đấu thầu mà không theo giá thị trường? Vàng thế giới là 36 triệu đồng/lượng mà NHNN lại đặt khởi điểm là 41 triệu đồng/lượng. Đấu thầu chênh lệch vậy thì ai hưởng lợi?” – đại biểu Ngọc Ánh đặt ra hàng loạt câu hỏi.
Xem xét lại cách tổ chức thực hiện
Còn theo đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, Nghị định 24 không nói gì đến chuyện độc quyền vàng miếng. “Phải xem lại việc tổ chức thực hiện của NHNN với những Nghị định của Chính phủ về nội dung này” – đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Thúy cũng cho biết thêm: Theo qui định về quản lý dự trữ ngoại hối thì NHNN phải báo cáo với UBTV Quốc hội về tình hình biến động dự trữ ngoại hối. “Tôi đặt vấn đề là trong thời gian ngắn vừa qua, chúng ta rút rất nhiều số lượng vàng dự trữ ngoại hối để thực hiện việc bình ổn giá. Như vậy, việc này có báo cáo đầy đủ, chính xác với UBTV Quốc hội hay không. Cá nhân tôi cũng sẽ gửi chất vất tới Thống đốc NHNN về việc này”.
Đâu đó vẫn còn chuyện người dân mua phải vàng SJC giả, khi mang đến ngân hàng thì không bán được hoặc nếu NH chấp nhận mua thì chỉ với giá của vàng nguyên liệu, thiệt thòi rất lớn. “Để tình trạng này xảy ra trách nhiệm thuộc về NHNN” đại biểu Ngọc Ánh khẳng định.
Về chuyển đổi các loại vàng sang thương hiệu SJC, đại biểu Diệu Thúy bày tỏ: “Bây giờ có qui định thương hiệu SJC hay loại vàng nào đó làm thương hiệu vàng quốc gia và muốn kinh doanh, buôn bán được thì phải đổi sang thành SJC. Tôi không có nhu cầu chuyển đổi vàng mình đang có sang SJC làm gì. Vì thực tế là làm như vậy cũng không tăng chất lượng vàng của chúng tôi lên. Hoặc là nhu cầu của chúng tôi không cần sử dụng. Do đó, tôi yêu cầu tính toán, hủy bỏ thương hiệu vàng quốc gia. Thứ hai, cần phải có phương án huy động vàng trong dân”.
Đồng tình với việc nên bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng, đại biểu Trần Ngọc Vinh khẳng định: Không nên để NH độc quyền mà nên mở rộng. “Quốc hội đã có nghị quyết cố gắng giá vàng trong nước và thế giới tiếp cận gần nhau. Thế nhưng, Nghị quyết và trên thực tế vênh nhau rất xa”, đại biểu Vinh nói.
“Không cần thiết một thương hiệu vàng quốc gia mà để thị trường lựa chọn. Nhà nước chỉ quản lý về chất lượng chứ không quản lý thương hiệu”, đại biểu Du Lịch nhấn mạnh quan điểm của mình./.