Chênh lệch vàng trong nước-thế giới đang ở mức cao kỷ lục. Nhiều người nghi ngại về mục tiêu bình ổn thị trường vàng của NHNN. Sau 9 phiên đấu thầu, giá vàng trong nước-thế giới ngày càng nới rộng. Nhiều người cho rằng, trước những diễn biến nóng bỏng thời gian qua, NHNN đã rất tham vọng khi đặt mục tiêu bình ổn đối với thị trường vàng trong nước. Mục tiêu đặt ra là vậy nhưng liệu NHNN có “điều binh khiển tướng được hay không” mới là quan trọng.
Theo phân tích của TS Võ Trí Thành-Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, về mặt kỹ thuật việc điều hành bình ổn thị trường vàng không đơn giản và rủi ro cũng khá cao. Ý đồ của NHNN là không gây những hiệu ứng tâm lý căng thẳng không cần thiết trong thị trường vàng trong nước. Mặc dù vàng trong nước cũng phải biến thiên theo giá vàng thế giới nhưng chúng ta lại không điều khiển được giá vàng thế giới. Thứ hai, không làm giảm, thiệt hại đến dự trữ ngoại hối (cả vàng, cả ngoại tệ). Thứ 3, việc mua bán như vậy gắn với cung tiền, việc chơi vàng phải không ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát của cung tiền nhà nước để đảm bảo rằng ổn định kinh tế vĩ mô.
Đối với giá vàng trong nước, làm thế nào để nó không bị biến động? Câu trả lời dễ thấy nhất và cũng là mục tiêu tối quan trọng NHNN đặt ra là cần phải kéo về sát với giá vàng thế giới. Tuy nhiên, theo quan điểm của TS Thành, điều này không có nghĩa là bình ổn. Theo đó, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới phải nhỏ từ 900 đến 1 triệu đồng/lượng.
“Như vậy, đòi hỏi sự điều hành nhanh nhạy. Ở đây không chỉ là câu chuyện đấu thầu vàng mà còn là sử dụng các công cụ tiền tệ khác như vấn đề nhập vàng, cung vàng ra thị trường hay vấn đề kéo vàng vào… Nói chung là không đơn giản” – TS Thành nói.
Còn cách làm của NHNN hiện nay, theo ông Thành, chỉ là phép thử, không chỉ là đáp ứng vàng cho các ngân hàng, không gây chấn động thị trường... mà còn là học cách chơi. Phải sau thời gian tất toán được trạng thái vàng của các tổ chức tín dụng thì mới biết được cụ thể tình hình. Bởi vì lúc đó có thể thị trường sẽ bình thường hơn. Hiện nay, chủ yếu là vấn đề kỹ thuật, có thể do những người thực hiện chưa có những tính toán trước, hoặc do vấn đề trước đây nhập vàng, hoặc do việc phải tất toán trạng thái vàng...
Trong tình hình thị trường vàng có nhiều biến động như hiện nay, nhiều người dân có vàng cũng tỏ ra hoang mang vì không biết nên giữ hay nên bán? Bản thân NHNN cũng chỉ biết khuyến cáo người dân cần bình tĩnh, thận trọng trước khi quyết định mua bán vàng bởi diễn biến giá thế giới hiện nay rất khó dự báo.
Nhìn lại 9 phiên đấu giá, phần lớn các phiên đều có mức giá sàn được Ngân hàng Nhà nước đưa ra cao hơn nhiều so với giá vàng thu mua vàng SJC mà các công ty vàng niêm yết trên thị trường ở thời điểm diễn ra đấu thầu.
Gặp mức giá sàn cao, nhưng các doanh nghiệp và ngân hàng tham gia đấu thầu vẫn mạnh tay trả những mức giá cao hơn để mua được vàng. Chỉ có duy nhất phiên đầu tiên ế 24.000 lượng, còn lại các phiên gần như NHNN bán hết veo số vàng đưa ra đấu thầu. Nhiều người đặt câu hỏi: Đi buôn phải mua rẻ, bán đắt. Đằng này, các DN, TCTD lại mua đắt thì liệu có bán rẻ? Thật đi buôn kiểu này thì chẳng giống ai. Mà xưa nay, các DN đã làm kinh doanh thì không bao giờ chịu đưa thua thiệt về phía mình. Liệu đằng sau câu chuyện đấu thầu vàng có gì đó khó hiểu?
Giải tỏa cho những hoài nghi này, ông Nguyên Quang Huy – Vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối (NHNN) khẳng định giá vàng NHNN đưa ra trong các phiên đấu thầu trước đó đều theo sát giá thế giới và thị trường trong nước chấp nhận mức giá đó. Việc đấu thầu là hoạt động mới của NHNN và thực hiện đúng quy trình.
Tuy nhiên, theo phân tích của nhiều chuyên gia thì dễ dàng nhìn thấy có “lợi ích nhóm” và dễ có tình trạng DN cấu kết, bắt tay nhau để làm giá vàng. Bởi theo qui định, NHNN là nhà cung cấp vàng duy nhất và chỉ có đơn vị nào có đăng ký giao dịch mua bán vàng với NHNN mới được tham gia đấu thầu. Điều này có nghĩa, nguồn cung cầu thị trường chủ yếu nằm trong tay các đơn vị tham gia đấu thầu nên họ có quyền quyết định thời điểm tung vàng ra khi có lợi cho họ nhất. Với giải pháp đấu thầu, NHNN mong thông qua các đơn vị tham gia để đảm bảo nhu cầu thị trường nhưng liệu có ai dám chắc sẽ không có chuyện các đơn vị này thống nhất với nhau giữ số lượng vàng lớn, không bán ra, không giảm giá. Lúc đó, liệu mục tiêu đưa giá vàng trong nước về sát với giá thế giới có thực hiện được. Và người dân có nhu cầu chính đáng liệu có mua được vàng với đúng giá trị của nó? Điều dễ thấy sau các phiên đấu giá, NHNN đã nắm phần thắng lớn, với hàng trăm tỷ đồng lãi thu về chỉ trong vòng chưa đầy một tháng.
Tuy nhiên, theo ông Võ Trí Thành, theo nghĩa nào đấy trong ngắn hạn thì có vẻ như NHNN chưa hoàn thành việc kéo giá xuống thấp. Nhưng ở đây cũng chưa biết ai thiệt, ai lợi? Các DN vẫn là người hưởng lợi vì giá bán của họ trên thị trường không chỉ chênh một chút so với giá thế giới, trong khi nguồn cung của NHNN chỉ là một phần nhỏ so với lượng vàng đang lưu thông trên thị trường. Trong thị trường cái gì cũng có thể xảy ra, tuy nhiên là trong cạnh tranh thì chống câu kết đến đâu mới là quan trọng. “Trong dài hạn, tôi cho rằng cơ chế đấu thầu vàng sẽ giúp được mục tiêu đặt ra ban đầu của NHNN” – ông Thành nói.
Tuy nhiên, để cơ chế đấu thầu thực sự có hiệu quả thì NHNN phải thay đổi cách thức thực hiện. Bởi với cách thức, qui định hành chính như hiện nay, đấu thầu sẽ không thể phản ứng kịp thời trước những biến động bất thường của thị trường vàng thế giới./.