Thảo luận tại tổ về vấn đề nợ công chiều nay (30/5), nhiều đại biểu Quốc hội chỉ ra rằng, tồn tại lớn nhất về quản lý nợ công hiện nay chính là việc phân tán trách nhiệm cho 3 cơ quan - Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) và Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

vov_hop_to_qh_menn.jpg
Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ chiều 30/5 về nợ công

Nên thu về một mối

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: Không quốc gia nào giống Việt Nam khi phân tán nợ công làm nhiều nhánh: một người đi vay, một người phân bổ, một người trả nợ.

Ở các nước, Ngân hàng Nhà nước không phải là một thành viên của Chính phủ mà là ngân hàng trung ương của các ngân hàng. Bên đi vay, đàm phán là Bộ Tài chính và đây là cơ quan thuộc các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế.

Còn ở Việt Nam, NHNN lại được coi là cơ quan ngang bộ, là một thành viên Chính phủ nên được cử tham gia các tổ chức quốc tế. Tại các cuộc họp thường niên, trong khi các nước là Bộ trưởng Bộ Tài chính ngồi thì ở ta lại là Thống đốc NHNN. Còn về vay ODA lại thuộc trách nhiệm Bộ KHĐT.

Theo Chủ tịch Quốc hội, tồn tại này đã tồn tại từ lâu và chưa sửa được. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nếu như sửa được nội dung này thì đây sẽ là “một cuộc cách mạng” trong quản lý nợ công.

Về vấn đề này, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nêu ý kiến: Chính phủ đề nghị để nguyên để không xáo trộn bộ máy, nhưng nếu để nguyên 3 đầu mối thì sẽ rất hạn chế trong quản lý và bị động trong quản lý nợ.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm

Ông Hàm dẫn chứng: Thể hiện rõ nhất là ODA, Bộ KHĐT là nơi tổng hợp của các bộ, ngành, chưa gắn với trách nhiệm quyết định chi, quyết định vay với trách nhiệm trả nợ.

Đại biểu này cho rằng, nếu như dồn 3 cơ quan này về một đầu mối quản lý nợ công thì không những giảm được biên chế, giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà mà đàm phán nợ công cũng trở nên thuận lợi. Khi đó, cũng sẽ có được bức tranh tổng thể của nợ công bao gồm cả nợ trong nước và ngoài nước, chứ không phải là phân mảnh rồi ghép lại như bây giờ.

Bà Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) - Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân sách, Văn phòng Quốc hội cho rằng, cần phải đảm bảo thống nhất quản lý nợ công thu về một mối, đảm bảo trả nợ đúng kỳ hạn. Với cơ chế như hiện nay phát sinh bất cập trong quản lý, giảm hiệu quả nguồn lực đầu tư công…

Hiện nay vẫn chưa gắn trách nhiệm vay với hiệu quả sử dụng. Nếu sử dụng không hiệu quả, ai chịu trách nhiệm? Người vay vốn để thua lỗ, thất thoát thì xử lý như thế nào, vị đại biểu đoàn Hà Nội đặt vấn đề.

Bà Mai cho biết, các nước như Áo, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Đức… đều áp dụng mô hình quản lý thống nhất.

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai
Đại biểu Hồ Đức Phớc (Nghệ An) nhận định, việc phân tán trong quản lý nợ công đã khiến cơ quan kiểm toán khi làm kiểm toán Nhà nước về nợ công rất chật vật để lấy được số liệu.

Theo quan điểm của ông Hồ Đức Phớc - Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính nên là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ quản lý nợ công và chịu trách nhiệm giải trình, vay và quản lý nợ công.

“Giải mã” lý do nợ công phình to

Đại biểu Phạm Phú Quốc (TP HCM) nêu thực trạng: Bội chi ngân sách kéo dài, cộng với không ai chịu trách nhiệm, một thời gian dài dẫn tới tăng nợ công. Thu nhập bình quân của người dân hơn 2.100 USD trong khi phải gánh hơn 1.300 USD nợ công. Dự báo 15 năm nữa có hơn 20% dân số trên 60 tuổi, dân số vàng không còn nữa thì áp lực trả nợ là rất lớn.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cũng lo ngại: Nợ công hiện tăng rất nhanh, áp lực tăng cao, mỗi năm tăng 300 ngàn tỷ, hiện chiếm 63,7% GDP. “Cần công khai minh bạch, cập nhật liên tục. Nợ công, đầu tư công phải gắn kết với nhau,” ông Ngân nói.

Cho rằng nợ công trong thời gian vừa qua trở thành nguồn tham nhũng lãng phí, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đề nghị xem lại trách nhiệm của các đơn vị liên quan.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa

Ông Nghĩa góp ý, phải có cách xử lý nợ nhà nước, thiết kế điều kiện bảo lãnh cho vay lại, đồng thời phải đưa vào trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), phải đưa vào để báo cáo giám sát, không thể “phủi tay” với hơn 400 tỷ USD mà DNNN đang nợ.

Có cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) nhấn mạnh: Cần phải ban hành Luật quản lý nợ công trong bối cảnh nợ công ngày càng cao và vấn đề quản lý nợ công cho thấy nhiều bất cập. Đầu tư công tăng cao, kém hiệu quả, giải ngân chậm, phân bổ chưa đúng, công tác đấu thầu chưa đảm bảo chất lượng,… vì thế, nợ công càng gia tăng.

Định nghĩa và khoanh vùng nợ công là chưa đúng, loại DNNN và Ngân hàng chính sách, tức là loại khoản nợ công rất lớn. Nợ công bảo lãnh chính phủ hiện khoảng 600 nghìn tỷ. Do đó, theo ông Bình, cần phân tích đưa ra các chủ trương đầu tư. Nợ công có thể tăng nhưng vấn đề quản lý thế nào mới đáng để quan tâm.

Đề cập trách nhiệm trong quản lý nợ công, bà Vũ Thị Lưu Mai yêu cầu kiểm soát toàn diện rủi ro và nâng cao hiệu quả nợ. “Có nhiều ý kiến băn khoăn là nợ của DNNN thì phải đưa vào phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý nợ công. Nhà nước phải đứng ra trả nợ nếu DNNN mất khả năng thanh toán. Đây là điều vô cùng nguy hiểm, và ta đã phải trả giá như của Vinashines”, bà Mai lưu ý./.