Do nguồn vốn đầu tư eo hẹp, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã điều chỉnh mục tiêu xây dựng mạng lưới đường bộ đến năm 2020. Trong đó, chỉ tập trung xây dựng các đoạn cao tốc có lưu lượng vận tải lớn và các tuyến quốc lộ huyết mạch.

Theo văn bản kết luận cuộc họp về điều chỉnh quy hoạch giao thông đường bộ của Bộ GTVT, mục tiêu xây dựng 3.000 km đường cao tốc từ nay đến năm 2020 của bộ này rất khó khả thi vì nguồn vốn ngân sách eo hẹp, trong khi việc huy động các vốn nguồn khác cũng rất khó khăn. Theo dự tính của Bộ GTVT từ nay đến năm 2015 chỉ hoàn thành được khoảng 600 km và mục tiêu xây dựng được 2.000 km vào năm 2020 cũng rất khó.

duong-ct.jpg
Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai dự kiến hoàn thành đầu năm 2013. (Ảnh: DDDN)

Một số dự án sắp được khởi công như đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Đà Nẵng - Quảng Ngãi phải điều chỉnh lại thiết kế, giảm bớt những hạng mục không cần thiết để giảm chi phí. Trong đó, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã được Bộ GTVT phê duyệt với tổng mức đầu tư 31.320 tỉ đồng, dài 58,5 km.

Theo báo cáo của Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) khi chuẩn bị triển khai dự án, giá nhân công tăng, giá vật liệu xây dựng cũng tăng nên tổng mức đầu tư tăng thêm 10.000 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư đã được duyệt.

Tuy nhiên, để đảm bảo tổng mức đầu tư như đã duyệt, Bộ GTVT đã điều chỉnh vận tốc thiết kế, thay đổi một số vị trí cầu cạn thành nền đường đắp. Đồng thời, cầu Phước Khánh, Bình Khánh cũng phải thay đổi từ dầm thép sang dầm bê tông cốt thép. Sau khi, điều chỉnh thiết kế, dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành đã giảm 8.464 tỉ đồng.

Còn dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã được duyệt với tổng mức đầu tư là 27.968 tỉ đồng, chiều dài hơn 139 km. Sau khi điều chỉnh và rà soát lại các hạng mục công trình, tổng mức đầu tư của dự án cũng giảm hơn 3.000 tỉ đồng.

Cùng với việc điều chỉnh thiết kế để giảm chi phí xây dựng, việc quy hoạch xây dựng mạng lưới đường cao tốc Bắc – Nam cũng phải điều chỉnh lại. Bộ GTVT xác định trước năm 2020 sẽ xây dựng các đoạn cao tốc có lưu lượng vận tải lớn như Trung Lương - Cần Thơ, Ninh Bình - Bãi Vọt, Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Những đoạn còn lại sẽ đưa vào kế hoạch sau năm 2020.

Ngoài các dự án đường cao tốc, kế hoạch nâng cấp các tuyến quốc lộ cũng phải thay đổi, trong đó ưu tiên cho việc mở rộng quốc lộ 1A lên 4 làn xe vào năm 2016.

Mục tiêu hoàn thành việc nâng cấp tất cả các tuyến quốc lộ trước năm 2020 như quy hoạch năm 2009 cũng rất khó khả thi. Do vậy, các tuyến quốc lộ được tập trung vốn nâng cấp trước năm 2020 như quốc lộ: 14, 18, 19, 20, 91, 50, 51.

Trước đó, hôm 17/11, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng ban chỉ đạo Nhà nước các công trình trọng điểm ngành GTVT đã họp rà soát tình hình và định hướng phát triển cho những năm tới. Thông điệp mà Chính phủ đưa ra cho những năm tới là tiếp tục mục tiêu thắt chặt đầu tư, rà soát, ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm có tính cấp bách./.